Theo thống kê của BV Da liễu TP.HCM, thời điểm năm 2010, BV chỉ tiếp nhận gần 800 ca thì đến năm 2018, con số này đã vượt 5.300 ca, gấp hơn 6 lần.
Đáng lưu ý, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân mới 13-15 tuổi, và tỉ lệ người đồng giới nam bị nhiễm bệnh khá cao.
Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, các bác sĩ ghi nhận số ca mắc giang mai cũng tăng lên đặc biệt là bệnh nhân trẻ. Khác với trước kia bệnh nhân vào viện khi có biến chứng xảy ra còn hiện tại thì bệnh nhân đã chú ý tới các dấu hiệu của bệnh hơn. So với các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác, giang mai vẫn là bệnh bị lãng quên nhưng biến chứng của nó cực kỳ nguy hiểm.
Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu Trần Thị Kim Loan – Bệnh viện An Việt, bệnh giang mai chủ yếu lây qua đường tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn thâm nhập qua da – niêm mạc của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ, đi vào máu và lan tràn khắp cơ thể.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan là bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh gây thương tổn ở bộ phận sinh dục, có hành vi tình dục không bảo vệ (quan hệ tình dục miệng - sinh dục, quan hệ tình dục đồng giới,…).
Bệnh giang mai có thể lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn) và gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.
Nếu người mẹ có thai bị giang mai mà không được điều trị cũng có thể lây truyền cho thai nhi (giang mai bẩm sinh). Nhiều trường hợp mẹ bầu đi xét nghiệm máu đã được chỉ định xét nghiệm giang mai và khi dương tính với giang mai đều bất ngờ không biết mình bị lây bệnh từ bao giờ.
Bệnh giang mai xuất hiện ở châu Âu từ thế kỷ 16, tại Việt Nam, xuất hiện vào đầu thế kỷ 20.
Bệnh diễn biến nhiều năm (10, 20, 30 năm ) có khi cả đời, có lúc rầm rộ, có những thời kỳ im lặng không có triệu chứng gì, làm cho người bệnh lầm tưởng đã khỏi và có thể lây truyền cho thế hệ sau.
Bác sĩ Loan cho biết, bệnh giang mai có thời kỳ ủ bệnh trung bình khoảng 3-4 tuần, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện các dấu hiệu sớm ngay sau khi nhiễm bệnh 10 ngày hoặc xuất hiện dấu hiệu muộn sau 100 ngày.
Các giai đoạn của bệnh giang mai rất rõ ràng thường chia ra các thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất, khi đó các thương tổn thường xuất hiện sau khoảng 3-4 tuần bị lây, đặc trưng của thời kỳ này là săng giang mai. Người bệnh sẽ có các biểu hiện có một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ thịt tươi và có nền cứng (vì vậy gọi là “săng cứng”).
Vị trí của săng: Thường gặp nhất là niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở qui đầu, miệng sáo, bìu, dương vật... Ngoài ra, săng có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi,... Người bệnh còn có hạch vùng bẹn sưng to, thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là “hạch chúa”.
Ở thời kỳ thứ hai, thời kỳ này bắt đầu khoảng 6-8 tuần từ khi có săng với các biểu hiện lâm sàng đó là các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình.
Sẩn giang mai với nhiều hình thái đa dạng: sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm và có thể có viền vảy xung quanh. Sẩn giang mai dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoạt tử.... sẩn phì đại sẩn này hay gặp ở hậu môn, sinh dục, viêm hạch lan tỏa và rụng tóc kiểu “rừng thưa”.
Ở thời kỳ thứ ba, thời kỳ này bắt đầu vào năm thứ 3 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng đó là các “gôm” giang mai ở da, cơ, xương, thậm chí có tổn thương tổn tim mạch (giang mai tim mạch), tổn thương thần kinh gây bại liệt (giang mai thần kinh).
Khi có dấu hiệu ban đầu có thể các săng đỏ, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa điều trị ngay. Có thể phòng bệnh cho giới trẻ bằng cách giáo dục hành vi tình dục an toàn, tình dục có bảo vệ (sử dụng bao cao su). Khi phát hiện bị bệnh cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngay, không tự mua thuốc điều trị.