Đó là ý kiến thống nhất của các đại biểu tham dự Hội thảo góp ý Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 9/4.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người thể hiện sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với công tác đấu tranh chống tội phạm mua bán người, được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm; thể hiện một bước phát triển trong hoạt động phòng, chống tội phạm của Việt Nam, trong bối cảnh tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng tinh vi, đa dạng, xuyên quốc gia.
Hơn nữa, có nhiều bất cập trong nội dung của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đang còn quy định khái niệm về hành vi mua bán người chưa thống nhất với khái niệm về hành vi mua bán người quy định ở Bộ Luật Hình sự 2015 hiện hành. Vì vậy, Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần xác định, làm rõ khái niệm hơn hành vi mua bán người để theo kịp với thực tiễn và pháp luật hiện hành.
Theo Luật sư Trương Thị Hòa, trong quá trình xây dựng Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), cơ quan soạn thảo là Bộ Công an đã thể hiện được quan điểm, đường lối của Đảng về tích cực tấn công, trấn áp các loại tội phạm; đáp ứng khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng như nội dung các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người.
Theo bà Trương Thị Hòa, bổ sung khái niệm hành vi mua bán người quy định tại điều 2, trong đó có "việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên” là hoàn toàn phù hợp với nội dung quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 và các điều ước quốc tế.
Bà Trương Thị Hòa đề nghị trong Dự thảo Luật sửa đổi cần bổ sung thêm nội dung về hoạt động lợi dụng hoạt động nhận con nuôi để phạm tội cho phù hợp với diễn biến thực tế của loại tội phạm này trong nước và quốc tế; bổ sung thêm nguyên tắc bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của nạn nhân cũng như bảo vệ người được xác minh là nạn nhân; tăng cường phòng ngừa xã hội kết hợp với công tác phòng ngừa nghiệp vụ…
Cũng quan tâm đến nội dung của điều 2 của Dự thảo về giải thích từ ngữ, Thiếu tá Phạm Xuân Thụy, Đại học An ninh Nhân dân có ý kiến khác với Luật sư Trương Thị Hòa khi cho rằng, định nghĩa "mua bán người" quy định tại khoản 1 có nhiều điểm chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa tương thích với nội dung Bộ luật Hình sự 2015.
Thiếu tá Phạm Xuân Thụy đề nghị xây dựng lại định nghĩa “mua bán người” trên cơ sở tách bạch các nhóm hành vi chính như quy định tại Điều 150 Bộ Luật Hình sự năm 2015; đồng thời sửa “Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi…” trong điều luật này xuống 16 tuổi cho phù hợp với những điều khoản liên quan trong Bộ Luật Hình sự 2015.
Trong khi đó, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến những quy định liên quan đến thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng chống mua bán người; đề nghị bổ sung nội dung tuyên truyền ở nước ngoài các thông tin số điện thoại, hộp thư điện tử, địa chỉ cơ quan chức năng đến các nạn nhân ở nước ngoài và người nước ngoài có thể tiếp cận được với cơ quan chức năng tiếp nhận, giải cứu trong các vụ việc mua bán người; nghiên cứu đưa Luật Phòng, chống mua bán người vào nội dung hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh trong chương trình giáo dục của các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự băn khoăn về khái niệm “nạn nhân” được giải thích tại điều 2. Thượng tá Lê Mạnh Hà nêu cụ thể, trên thực tế, nhiều phụ nữ là nạn nhân của hành vi mua bán người qua biên giới khi được phát hiện, giải cứu thì đã có con nhỏ, những người con đó có được coi là “nạn nhân” của hành vi mua bán người hay không? Việc xác định chỉ người mẹ hay cả mẹ lẫn con nhỏ là “nạn nhân” của hành vi mua bán người sẽ dẫn đến những điều chỉnh khác liên quan đến công tác hỗ trợ hòa nhập cuộc sống. Ngoài ra, cũng cần xem xét kỹ hơn những quy định liên quan đến người tự nguyện bán nội tạng lấy tiền là nạn nhân hay là người có hành vi tham gia hoạt động mua bán nội tạng không vì mục đích nhân đạo cần xử lý.
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều, tăng 8 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011./.