Vẫn chưa hết bàng hoàng, bệnh nhân cho biết đêm 8/5 bỗng dưng có cảm giác run vì lạnh, nôn liên tục, nghĩ bị cảm nên nhờ người đánh gió. Sau đó cô càng thấy nôn nao khó chịu, khó thở, nổi mẩn đỏ... được bạn đưa vào Bệnh viện Bưu điện cấp cứu.
Bệnh nhân đang được theo dõi tại bệnh viện sau khi thoát sốc phản vệ. Ảnh: P.T. |
Bác sĩ Dương Vương Trung, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện, nhận định bệnh nhân đang bị sốc phản vệ, có thể chuyển biến nặng dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định tiêm truyền adrenalin liên tục theo phác đồ xử trí sốc phản vệ. Sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, huyết áp trở về mức bình thường, tỉnh táo, hết ban đỏ và hết khó thở.
Bệnh nhân tiếp tục được truyền adrenalin, theo dõi trong 48-72 giờ, nếu tình trạng ổn định thì có thể xuất viện.
Theo bác sĩ Trung, phản ứng sốc phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ loại thuốc hoặc hóa chất điều trị nào hoặc dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và do côn trùng đốt. Bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời. Vì thế, chị em khi quyết định làm đẹp, đặc biệt là những can thiệp tiêm truyền thuốc vào cơ thể, cần rất thận trọng. Ngoài ra, các loại thuốc trong quá trình điều trị, kể cả trong thức ăn hằng ngày, đều có thể dẫn đến sốc phản vệ như dị ứng trứng, sữa, cua, vitamin C, B1...