Được bạn bè giới thiệu nơi nâng mũi giá rẻ, Trần Thanh Hoa (29 tuổi) đến một spa tại TP.HCM thực hiện phẫu thuật nâng mũi bọc sụn với giá 10 triệu đồng. Mức giá này rẻ hơn khá nhiều so với các cơ sở thẩm mỹ uy tín khác (17-20 triệu đồng).
Sau khi làm thủ thuật, mũi của Hoa xuất hiện một nốt đỏ trên sống mũi, không sưng và đau nhức. Bệnh nhân chủ quan, cho rằng đây chỉ là một nốt mụn thông thường, không nguy hiểm. Nhiều ngày sau, nốt đỏ có dấu hiệu khô lại, chị nặn "mụn", phát hiện thanh silicone lộ ra ngoài và chảy mủ. Quá lo sợ, chị Hoa lập tức đi thăm khám và kiểm tra.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết thủng da là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất khi nâng mũi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là người làm thủ thuật không ước lượng được độ dày mỏng của da, sử dụng sụn kém chất lượng. Ngoài ra, biến chứng có thể do nhiễm trùng từ nơi khác lan vào mũi như mụn nhọt hoặc răng miệng.
Bệnh nhân đã được bác sĩ sát trùng vết thương, da và mô bị viêm, hoại tử phải nạo sạch, bơm, rửa và sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Sống mũi silicone cũng được tháo bỏ. Trường hợp này sẽ được điều trị từ 2-3 giai đoạn trong vòng 6 tháng.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo sau khi nâng mũi nếu có hiện tượng bất thường bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra sớm nhất có thể.
Những biến chứng sau phẫu thuật mũi đều có thể sửa chữa bằng kỹ thuật mổ tái cấu trúc. Một số trường hợp cần lấy sụn ở sườn để dựng lại trụ mũi. Tuy nhiên, chiếc mũi sửa lại khó đẹp như làm lần đầu.
Kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc cần bác sĩ có kinh nghiệm. Nếu bác sĩ chưa vững tay nghề thực hiện có thể tiếp tục gây biến chứng. Trước khi quyết định làm đẹp, bạn cần chuẩn bị đủ kiến thức, tránh tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ theo truyền miệng.