Tác động của lệnh cấm TikTok đối với thị trường công nghệ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - TikTok đang phải đối mặt với một khủng hoảng lớn tại thị trường lớn nhất của ứng dụng này. Nếu "công ty mẹ" ByteDance không triển khai việc thoái vốn trong khoảng một năm tới, Tiktok có thể bị cấm tại Mỹ.
Tác động của lệnh cấm TikTok đối với thị trường công nghệ Trung Quốc

Dự luật mới nhất của chính phủ Mỹ không chỉ giáng thêm một đòn mạnh vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc, mà còn làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa hai siêu cường trên thị trường kỹ thuật số.

Vào hôm thứ Ba, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật có thể buộc ByteDance bán ứng dụng TikTok nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm. Tổng thống Joe Biden đã ký dự luật vào thứ Tư. Phía TikTok đã cho biết họ sẽ có động thái phản biện trước tòa.

Trước đây, chính quyền Bắc Kinh đã từng sửa đổi các quy tắc kiểm soát xuất khẩu công nghệ để ngăn chặn việc ép bán TikTok vì lý do an ninh quốc gia. Quy định này khiến ByteDance khó có thể đảm bảo tương lai của TikTok tại Mỹ - thị trường lớn nhất của ứng dụng này với 170 triệu người dùng.

Alex Capri, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Hinrich và giảng viên Đại học Kinh doanh Quốc gia Singapore, cho biết: “Việc buộc phải bán TikTok ở Mỹ đi đôi với sự xuống cấp của ứng dụng vì chính phủ Trung Quốc sẽ không chấp nhận việc bán lại các thuật toán của họ”.

“Nếu TikTok buộc phải ngừng hoạt động ở Mỹ, triển vọng của ByteDance ở các quốc gia khác sẽ bị kiểm soát chẽ hơn nữa”, ông Capri cho biết.

Nếu chính phủ Trung Quốc không cho phép ByteDance bán thuật toán của TikTok, họ có thể ngăn chặn hoàn toàn thương vụ này. Ngoài ra, việc bán TikTok có thể sẽ không đi kèm với thuật toán sinh lời - vốn là cơ sở cho độ phổ biến của ứng dụng này.

Ông Capri cho biết, lệnh cấm của Mỹ hoặc một phiên bản TikTok kém phổ biến hơn sẽ là một vận may bất ngờ đối với YouTube, Google, Instagram và các đối thủ cạnh tranh khác của TikTok, vì nhiều người dùng có thể sẽ chuyển sang sử dụng các ứng dụng này. Và nó sẽ là một đòn giáng lớn vào tham vọng toàn cầu của ByteDance.

Richard Windsor, nhà phân tích công nghệ và nhà sáng lập của Radio Free Mobile, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Lệnh cấm TikTok sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến lược toàn cầu của ByteDance, vì nó cho thấy Trung Quốc coi trọng tính bảo mật của thuật toán hơn lợi nhuận và tham vọng mở rộng của ByteDance”.

Theo ông Capri, lệnh cấm TikTok cũng có khả năng đẩy nhanh sự chia cắt thị trường công nghệ thế giới thành hai phe là Mỹ và Trung Quốc.

“Động thái cấm TikTok của Mỹ là một bước tiến không chỉ hướng tới sự chia rẽ giữa ứng dụng Trung Quốc và ứng dụng phương Tây, mà rộng hơn là sự phân chia của toàn bộ bối cảnh công nghệ toàn cầu”, vị chuyên gia nhận định. “Điều này bao gồm mọi thứ, từ người sở hữu và vận hành các trung tâm dữ liệu, đến vệ tinh internet, cáp quang biển và tất nhiên là cả chất bán dẫn.”

Dù vậy, lệnh cấm TikTok có thể mang lại lợi ích cho Bắc Kinh.

Ông Capri cho biết: “Lệnh cấm ở Mỹ sẽ khơi dậy những nỗ lực mới nhằm mở rộng dấu ấn kỹ thuật số của Trung Quốc ở Đông Nam Á và các nước đang phát triển khác trên toàn thế giới”.

Những thách thức đối với các nền tảng Trung Quốc

Đạo luật TikTok thuộc gói viện trợ nước ngoài trên phạm vi rộng nhằm hỗ trợ Israel, Ukraine và Đài Loan.

Sau khi Tổng thống Biden ký dự luật, ByteDance sẽ có tối đa một năm để hoàn tất thương vụ bán lại hoặc phải đối mặt với lệnh cấm toàn diện.

Các quan chức và nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã bày tỏ lo ngại đối với những rủi ro về an ninh quốc gia tiềm ẩn của TikTok. Rủi ro này bao gồm việc TikTok có thể chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc hoặc thao túng nội dung hiển thị trên nền tảng này. TikTok đã bác bỏ những tuyên bố trên.

Paul Triolo, cố vấn về chính sách công nghệ Trung Quốc tại Tập đoàn Albright Stonebridge, cho biết: “Dự luật thoái vốn TikTok là kết quả của nỗ lực vận động hành lang của các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon liên kết với các công ty công nghệ Mỹ vốn hưởng lợi từ những lệnh cấm nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc”.

"Nhìn chung, các công ty và ứng dụng Trung Quốc hoạt động tại Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng", ông Triolo chỉ ra.

Các quan chức chính quyền Biden đang củng cố một văn phòng mới tại Bộ Thương mại để thực thi các quy tắc bảo mật công nghệ từ thời cựu tổng thống Trump. Các quy tắc này được đặt ra nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng công nghệ thông tin của Mỹ bao gồm các ứng dụng được kết nối và có thể được sử dụng để ban hành nhiều lệnh hạn chế hơn.

“Có vẻ như dự luật của Quốc hội sẽ không nhằm vào một công ty Trung Quốc cụ thể như TikTok, nhưng quy tắc về chuỗi cung ứng công nghệ thông tin và thương mại có thể được sử dụng trong tương lai để hạn chế khả năng các công ty và ứng dụng Trung Quốc khác tiếp cận các thị phần của thị trường Mỹ “, ông Triolo nói.

Các biện pháp đáp trả của Trung Quốc

Vào tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đã cam kết thực hiện tất cả “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của mình ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua phiên bản trước đó của dự luật TikTok .

Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố: “Về vấn đề TikTok, chúng tôi đã nêu rõ quan điểm của mình và tôi không có gì để nói thêm”.

Hầu hết các nền tảng mạng xã hội của Mỹ đã bị cấm ở Trung Quốc do các ứng dụng này từ chối tuân theo các quy định của chính phủ Trung Quốc về thu thập dữ liệu và loại nội dung được chia sẻ. Các ứng dụng bị cấm bao gồm Google, YouTube, X, Instagram, WhatsApp và Facebook.

Tuy nhiên, ông Triolo không kỳ vọng Bắc Kinh sẽ phản ứng “mạnh mẽ” trước lệnh cấm của Mỹ đối với TikTok.

“Mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã phản đối bất kỳ hành động ép thoái vốn nào của Mỹ nhắm vào Bytedance, nhưng mối quan tâm hàng đầu của họ sẽ là việc chuyển giao công nghệ liên quan. Nói chung, Bắc Kinh ít quan tâm đến một công ty truyền thông hơn so với việc Mỹ nắm quyền kiểm soát công nghệ”, ông Triolo chỉ ra.

Cũng theo vị này, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có động thái trả đũa mạnh mẽ đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ.

Chính quyền Bắc Kinh gần đây đã ra lệnh cho Apple xóa các ứng dụng nhắn tin WhatsApp, Signal và Telegram khỏi cửa hàng ứng dụng tại thị trường Trung Quốc. Nhưng điều này không đi kèm với các lệnh cấm đối với các mạng riêng ảo (VPN) mà nhiều người am hiểu công nghệ tại Trung Quốc sử dụng để truy cập các ứng dụng nhắn tin này.

“Động thái này cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục chặn quyền truy cập vào một số ứng dụng bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, mặc dù các ứng dụng bị chặn có ít người dùng ở Trung Quốc hơn nhiều so với con số 170 triệu người dùng TikTok ở Mỹ", ông Triolo nói.

Theo CNN
Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.