Tầm nhìn, khát vọng và niềm tin bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", phát huy trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công rất tốt đẹp, xác định mục tiêu phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới, mà còn hướng tới năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCHTW khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam thay mặt BCHTW khóa XIII phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCHTW khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam thay mặt BCHTW khóa XIII phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Đại hội XIII ghi một dấu mốc quan trọng trên con đường đi tới của dân tộc Việt Nam, thể hiện tầm nhìn, khát vọng và niềm tin của toàn Đảng, toàn dân.

Chu đáo, kỹ lưỡng mọi mặt

Nhìn lại toàn bộ quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội, có thể khẳng định rằng, chính sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt đã làm nên thành công chung của Đại hội XIII - sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam. Phát biểu trước báo giới ngay sau khi bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp! Công tác tổ chức Đại hội được tổ chức rất tốt, chu đáo, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang xảy ra.

Trong mỗi kỳ Đại hội Đảng, công tác văn kiện luôn là linh hồn, quyết định thành công của Đại hội, định hướng tương lai của cả dân tộc. Công tác xây dựng văn kiện Đại hội lần này được tiến hành rất công phu, bài bản, với hơn 2 năm chuẩn bị, qua nhiều vòng, có đổi mới về tư duy, phương pháp, áp dụng cả lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi. Văn kiện Đại hội XIII thật sự đã kết tinh trí tuệ, niềm tin và ý chí vươn lên của toàn Đảng, toàn dân.

Chính vì vậy, thảo luận tại Đại hội, các đại biểu đồng thuận rất cao và nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội, xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Song song với việc xác định định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, ba đột phá chiến lược được Đại hội xác định để thực hiện thành công mục tiêu là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Cùng với công tác văn kiện, công tác nhân sự được chuẩn bị hết sức công phu, chặt chẽ đã góp phần làm nên thành công của Đại hội XIII của Đảng. Theo Ban Tổ chức Trung ương, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII được thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy định, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả; bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc... nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương, nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân.

Tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước

Đại hội XIII có trách nhiệm lịch sử to lớn, định hướng tương lai của cả dân tộc, không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới, với những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân rất tâm đắc trong văn kiện Đại hội lần này.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII, việc xác định mục tiêu như trên theo cách tiếp cận mới: Trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập phù hợp với cách tiếp cận của thế giới.

Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) thu nhập bình quân thấp là dưới mức 4.045 USD/người/năm; thu nhập trung bình là từ 4.045 đến 12.535 USD/người/năm; thu nhập cao là trên 12.535 USD/người/năm (số liệu ngày 1/7/2020). Dự kiến, đến 2025, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-5.000 USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD, mức thu nhập trung bình cao. Như vậy, đến năm 2045, Việt Nam có mức thu nhập cao là hoàn toàn khả thi.

Những định hướng này được cụ thể hóa qua từng giai đoạn, có lộ trình, bước đi cụ thể với những mục tiêu rõ ràng cho cột mốc 5 năm, 10 năm, tầm nhìn tới năm 2045. Phó Trưởng ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn Vũ Minh Thảo cho rằng, chưa bao giờ nội hàm "khát vọng" lại được nhấn mạnh và thể hiện đậm nét, xuyên suốt như vậy trong Báo cáo Chính trị. "Là một người trẻ, tôi rất đồng tình và tán đồng với quan điểm này", anh Vũ Minh Thảo chia sẻ, để khơi dậy khát vọng mãnh liệt này, không ai khác chính là những người trẻ - những người được kỳ vọng là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước - phải được châm ngòi, nuôi dưỡng và tạo môi trường thuận lợi để biến những khát vọng thành những hành động có mục tiêu, gắn với từng điều kiện rất cụ thể của cá nhân, đơn vị, địa phương…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhìn nhận, Đại hội XIII Đảng ta đã xác định một mục tiêu phát triển dài nhất, lớn nhất, có thể nói là đầy cảm hứng cho một giai đoạn rất dài của đất nước.

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định Đại hội XIII là Đại hội truyền cảm hứng mãnh liệt, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội vang lên hai chữ "khát vọng". Ông nhấn mạnh: Khát vọng phát triển và đổi mới sáng tạo là điểm nhấn nổi bật của Đại hội XIII - một Đại hội ghi dấu ấn rất rõ về tinh thần quyết tâm đổi mới sáng tạo, vượt mọi khó khăn, đi cùng thời đại và tiến lên cùng thời đại.

Chuyển động mạnh mẽ

Phát biểu bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “... Đại hội thành công là bước đầu, còn tinh thần Đại hội, tư tưởng Đại hội có vào cuộc sống hay không, đó mới là thành công thật sự”. Tổng Bí thư đề nghị: Ngay sau Đại hội, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động.

Cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngay trong tháng 3/2021, Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được tổ chức với 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến hơn 7.400 điểm cầu cơ sở. Đây là cơ sở quan trọng để các tổ chức Đảng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung những nhận thức mới quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt, đã nhấn mạnh tới việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành nhằm cụ thể hóa tinh thần Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế đã được ban hành, trong đó có nhiều văn bản chỉ đạo trực tiếp trong lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điểm nhấn đặc biệt là tại Hội nghị Trung ương 4, Trung ương khóa XIII đã quyết định những nội dung quan trọng liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có sự kế thừa, mở rộng không chỉ đề cập đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà đề cập đến cả hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hàng loạt các quy định của Đảng liên tục được ban hành mới hoặc sửa đổi để góp phần cụ thể hóa những chủ trương quan trọng đã được Đại hội XIII quyết định. Đặc biệt trong đó là Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm thay thế Quy định số 47-QĐ/TW trước đó. Những quy định mới về những điều đảng viên không được làm trong Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương đã bám sát vào tinh thần nghị quyết các Đại hội gần đây, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương, các quy định của Bộ Chính trị.

Điểm mới nữa là Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là sự cụ thể hóa những nội dung đã được Đại hội XIII quyết định: Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung... Điều này một lần nữa khẳng định đây là vấn đề được Đảng rất quan tâm, qua đó giúp cán bộ đảng viên tự tin hơn, dám bước qua những lối mòn, những thách thức, có thêm những cơ hội để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.

Sau Đại hội XIII của Đảng, hàng loạt các Hội nghị quan trọng như Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc... đã được tổ chức. Đây là sự cụ thể hóa những đường hướng quan trọng đã được Đại hội XIII quyết định, tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng đã xác định ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII.

Nhiệm kỳ Đại hội XIII là một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: Phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sự thống nhất của "ý Đảng - lòng Dân", chúng ta quyết tâm thực hiện thật tốt hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp mà các Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
(Ngày Nay) - Nghe Pháp là từ thường gặp trong kinh. Đa văn là nghe Pháp nhiều, một trong những hạnh lành. Ngày nay, nghe Pháp không chỉ nghe giảng mà còn là đọc, tụng, nghiên cứu, thảo luận, biên khảo giáo pháp.
Toàn cảnh Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Gìn giữ văn hóa bản địa qua trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình
(Ngày Nay) - Tối 17/11, tại Quảng trường Hòa Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Chương trình Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15-23/11/2024.
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
(Ngày Nay) - Ngày 16/11, trong cuộc thảo luận về tuyên bố chung trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà ngoại giao của nhóm đã gặp khó khăn trong việc thu hẹp bất đồng về nguồn tài chính để giải quyết biến đổi khí hậu và vấn đề đánh thuế nhóm siêu giàu.
Trung Quốc và Mỹ nhất trí hướng tới cạnh tranh không xung đột
Trung Quốc và Mỹ nhất trí hướng tới cạnh tranh không xung đột
(Ngày Nay) - Chiều 16/11 theo giờ địa phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm kín bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru. Theo đó, hai nhà lãnh đạo đều nhận định Washington và Bắc Kinh cần hướng tới mối quan hệ cạnh tranh nhưng không xung đột.
Chủ tịch nước Lương Cường kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
Chủ tịch nước Lương Cường kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
(Ngày Nay) - Chiều 16/11 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Lima, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) 2024 theo lời mời của Tổng thống Peru Dina Boluarte.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: TTXVN phát
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
(Ngày Nay) - Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1401/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 cử ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thay cho Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc vừa có quyết định nghỉ hưu.