Ngày 9/4, tại Cần Thơ, nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm giới thiệu, kết nối du lịch giữa vùng Tây Bắc với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, đại diện cho Trưởng nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, cho biết Hội nghị là một trong những hoạt động điểm nhấn trong chuỗi sự kiện “Tuần Du lịch Văn hóa Tây Bắc năm 2023,” do 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng phối hợp tổ chức từ ngày 8-11/4, tại Công viên Bến Ninh Kiều. Chương trình với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, mang đậm hương sắc của khu vực Tây Bắc.
Tại hội nghị, đại diện 8 tỉnh Tây Bắc đã mang đến các thông tin đặc sắc về du lịch của từng địa phương. Theo đó, 8 tỉnh Tây Bắc là một vùng rộng lớn gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ. Đây là vùng đất sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng.
Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, với đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; Sa Pa - Thị trấn trong mây; Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải; Hồ Pá Khoang rộng lớn; Rừng Mường Phăng - khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; Thung lũng Mai Châu; Cao nguyên Mộc Châu...
Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây: Ẩm thực Tây Bắc với gà mò, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố...
Bên cạnh những món ăn đặc sắc, độc đáo là những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên, văn hóa độc đáo đó, 8 tỉnh Tây Bắc mong muốn sẽ kết nối tốt với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên chuỗi các tour, tuyến sản phẩm du lịch độc đáo ở các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh...
Đại diện cho cụm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho hay Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố. Đây là vùng đất có sự đa dạng sinh học với các khu rừng nguyên sinh, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, đất ngập nước, núi, rừng, sông, suối, biển đảo...
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực quốc gia, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hai sản mà còn là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có phong tục tập quán lâu đời, có nhiều di tích văn hóa-lịch sử, lễ hội và nét văn hóa đặc trưng, sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc và nổi tiếng với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, ẩm thực dân gian...
Các lợi thế đó đã hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng của các địa phương trong vùng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 103 của Chính phủ về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, hoạt động du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực.
Các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, từng bước đưa thương hiệu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch là mở rộng hợp tác liên tỉnh, liên vùng.
Do đó, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long mong muốn sẽ kết nối xúc tiến du lịch với vùng Tây Bắc, dựa trên những nét chung và nét riêng có của từng vùng. Từ đó gia tăng trải nghiệm và giá trị cho du khách.
Năm 2022, thành phố Cần Thơ đón hơn 5,1 triệu lượt khách tham quan, tăng 142% so với cùng kỳ, đạt 128% kế hoạch năm.
Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 2,5 triệu lượt khách, tăng 179% so với cùng kỳ, đạt 125% kế hoạch năm với tổng doanh thu du lịch đạt trên 4.100 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố.