3 nhà nghiên cứu trên tàu đã phải mất 4 giờ mới tiếp cận được đáy khe vực ở phía tây Thái Bình Dương. Chuyến thám hiểm được kì vọng giúp Trung Quốc khám phá nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào dưới đáy biển sâu, bằng cách hỗ trợ các nhà khoa học vẽ “bản đồ kho báu”.
Tàu Fendouzhe lặn xuống đại dương vào lúc 8 giờ 20 phút tối (giờ GMT) ngày 9/11 và tiếp cận đáy vực vào lúc 0 giờ 12 phút sáng (giờ GMT) ngày 10.11.
Tàu đã ở lại đáy vực suốt 6 giờ để thu thập mẫu vật và tìm hiểu về cảnh quan xung quanh ở khe vực. Hành trình này chỉ kém kỷ lục lặn sâu nhất xuống khe vực Mariana khoảng 16 mét.
Kỷ lục lặn sâu nhất ở khe vực Mariana thuộc về nhà thám hiểm người Mỹ Victor Vescovo, với độ sâu 10.927 mét vào tháng 5/2019.
Các kỹ sư Trung Quốc bắt tay vào dự án chế tạo tàu lặn Fendouzhe từ năm 2016. Con tàu được lắp ráp xong vào tháng 2 năm nay. Tàu đã vượt qua 25 thử nghiệm kéo dài từ tháng 3 tới tháng 6, theo CCTV.
Trong khi ở đáy vực, 3 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã gửi về hình ảnh cầm trên tay hộp đồ ăn, dấu hiệu cho thấy họ hoàn toàn khỏe mạnh. “Tất cả chúng tôi đều khỏe mạnh, chúng tôi đang kiểm tra chức năng của cánh tay robot”, một nhà nghiên cứu nói với phóng viên CCTV. “Cảnh tượng dưới đáy biển thật tuyệt vời”.
Ye Cong, kỹ sư trưởng chế tạo tàu lặn Fendouzhe nói trong suốt quá trình lặn sâu, con tàu hoạt động ổn định. Ye cũng là kỹ sư trưởng dự án khám phá đáy biển sâu của Trung Quốc, đặt mục tiêu chế tạo các phương tiện khám phá đại dương hiện đại nhất.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đặt mục tiêu lặn xuống điểm sâu nhất của khe vực Mariana, được gọi là Challenger Deep với độ sâu 11.033 mét.
Đây được coi là một trong những nơi ẩn chứa nhiều bí ẩn mà con người chưa từng biết.