Muỗi Aedes Aegypti. Nguồn: AFP/TTXVN
Đây là cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ đưa ra ngày 9/6.
Giáo sư James Collins thuộc Đại học bang Arizona, đồng thời là đồng Chủ tịch Ủy ban Các học viện quốc gia về khoa học, kỹ thuật và y tế Mỹ, khẳng định cần thận trọng và tiến hành thêm nhiều nghiên cứu những hậu quả về mặt xã hội, cũng như khoa học của việc thả các sinh vật biến đổi gen vào môi trường.
Ủy ban trên cảnh báo công nghệ chuyển đổi gien có thể gây ra những tác hại như làm giảm số lượng các loài côn trùng khác, hoặc thậm chí nguy hiểm hơn là tạo ra các loài sinh vật mới có khả năng lan truyền dịch bệnh nhanh hơn.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi tiếp tục tiến hành các nghiên cứu, các cuộc thử nghiệm theo giai đoạn và sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học.
Theo các chuyên gia, những quy định hiện hành là chưa đủ để đánh giá các nguy cơ của các thí nghiệm trong lĩnh vực biến đổi gen, mà cụ thể là kế hoạch thả các sinh vật biến đổi gen ra môi trường để ngăn ngừa dịch bệnh.
Tính đến tháng 5/2016, chưa có một nghiên cứu nào được tiến hành để đánh giá về nguy cơ của sinh vật biến đổi gen đối với hệ sinh thái.
Muỗi Aedes aegypti đực biến đổi gen được công ty Oxitec của Anh tạo ra. Theo ý tưởng này, các nhà khoa học sẽ thả các muỗi Aedes aegypti đực đã biến đổi gen để giao phối với muỗi cái. Những con muỗi con của cặp muỗi có muỗi đực biến đổi gen sẽ chết từ khi còn là ấu trùng.
Hồi tháng Ba vừa qua, Chính quyền Mỹ đã thông qua hoạt động thử nghiệm trên quy mô nhỏ phương thức dùng muỗi biến đổi gen để ngăn chặn sự lây lan của virus Zika hiện đang hoành hành tại khu vực Nam Mỹ.
Virus Zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, quan hệ tình dục và truyền máu với các triệu chứng phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Đây là loại virus nguy hiểm vì có liên quan đến nhiều dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Cho đến nay, chưa có vắcxin phòng ngừa hay thuốc đặc trị virus này, và đây lý do khiến các nhà khoa học đang nỗ lực tìm cách kiểm soát sự sinh sôi của loài muỗi này.
Theo Vietnamplus