Ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo đảng Tiến bước, đã không huy động được số phiếu cần thiết từ các đảng đối lập và các thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm để giành được vị trí Thủ tướng theo hiến pháp năm 2017 của Thái Lan, vốn cân bằng giữa ý kiến của công chúng và giới tinh hoa.
Mặc dù giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội, đảng Tiến bước trước đó đã không thể thắng thế trước các đồng minh trong liên minh 8 đảng của mình để đảm bảo vị trí Chủ tịch Hạ viện.
Những rạn nứt xuất hiện trong liên minh 8 đảng được hình thành sau cuộc bầu cử, điều này cho thấy giới tinh hoa chính trị của Thái Lan, và có thể là đa số công chúng, vẫn chưa sẵn sàng cho sự thay đổi triệt để mà đảng Tiến bước đang đặt quyết tâm thực hiện.
Sự trỗi dậy của Tiến bước với tư cách là đảng nổi tiếng nhất của đất nước chỉ 5 năm sau khi thành lập đã đặt ra mối đe dọa lớn nhất mà hệ thống chính trị của Thái Lan phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.
Dự định cải tổ các thể chế quyền lực nhất của đất nước, cụ thể là quân đội và hoàng gia, đã cô lập Tiến bước khỏi các đảng khác, thậm chí cả các đồng minh trên danh nghĩa của họ.
Chương trình nghị sự này là lý do quan trọng khiến ông Pita liên tục thất bại trong các cuộc bỏ phiếu trước Quốc hội Thái Lan vào tuần qua.
Cam kết đơn phương của đảng Tiến bước trong việc cải cách luật "khi quân" của Thái Lan, nhằm trừng phạt những hành vi xúc phạm đến hoàng gia, đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Những người phản đối mô tả lập trường của đảng Tiến bước là mối đe dọa an ninh quốc gia, lập luận rằng việc giám sát chế độ quân chủ có thể gây ra bất ổn chính trị. Thượng nghị sĩ Kamnoon Sidhisamarn nói: “Bỏ phiếu cho Pita sẽ là dấu chấm hết cho Thái Lan như chúng ta biết".
Đây là một chiến lược thông minh để chỉ trích đề xuất cải cách của đảng Tiến bước. Việc sửa đổi luật là yếu tố quan trọng nhất trong cương lĩnh của đảng, nhưng lại là một ý kiến gây chia rẽ mà không đối tác liên minh nào của đảng này bày tỏ sự ủng hộ.
Mặc dù lập trường của của đảng Tiến bước tỏ ra phù hợp với các cử tri, nhưng nó đã tạo ra một khoảng cách khiến 7 đảng còn lại sẵn sàng rời bỏ liên minh nhằm tìm kiếm quyền lực.
Kết quả này không quá bất ngờ. giới tinh hoa Thái Lan luôn miêu tả tầm nhìn của đảng Tiến bước là mối đe dọa trực tiếp đối với quốc gia, chế độ quân chủ và quân đội. Ngay trước cuộc bầu cử, các thành viên đảng Tiến bước và nhiều thượng nghị sĩ do quân đội chỉ định đã lời qua tiếng lại với nhau trong phiên họp chung.
Bất chấp chiến thắng của đảng Tiến bước hồi tháng 5, cần lưu ý rằng hơn 60% cử tri hoàn toàn không bỏ phiếu hoặc ủng hộ các đảng khác. Do đó, hoàn toàn có thể hiểu được rằng đa số cử tri có thể không đồng ý với lập trường của đảng Tiến bước về chế độ quân chủ và quân đội.
Nhiều người Thái không tìm kiếm sự thay đổi chính trị, đặc biệt là khi nói đến chế độ quân chủ. Hơn 7 triệu phiếu bầu được dành cho liên minh bảo thủ sắp mãn nhiệm, bao gồm đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất, đảng Lực lượng Công dân, Đảng Bhumjaithai và đảng Dân chủ.
Trong khi các đảng này đại diện cho các lợi ích chính trị trên phạm vi rộng, trải dài từ chủ nghĩa bảo thủ cực đoan đến quảng bá cần sa, cử tri của họ chia sẻ tầm nhìn về một Thái Lan dân tộc chủ nghĩa, trong đó sự nổi bật của quân đội và các thể chế quân chủ được bảo tồn.
Đảng Pheu Thai, cho đến nay vẫn là đồng minh chính của MFP, hiện đang phải đối mặt với một lựa chọn sống còn.
Đảng Tiến bước cho biết hôm thứ Sáu rằng họ sẽ nhường cơ hội để Pheu Thai công bố ứng viên cho chức vụ Thủ tướng, sau khi ông Pita thất bại trong cuộc bỏ phiếu thứ hai tại Quốc hội.
Việc đảng nổi tiếng nhất ở Thái Lan cho phép một đồng minh lãnh đạo chính phủ là điều chưa từng có tiền lệ, nhưng cũng sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng đảng Tiến bước sẽ đấu tranh đến cùng để trở thành một phần của chính quyền tiếp theo.
Nếu liên minh của ông Pita lên nắm quyền, điều này vẫn sẽ đánh dấu một sự thay đổi to lớn đối với Thái Lan và một sự khởi đầu rõ ràng và đột phá khỏi nền chính trị vốn bị thống trị bởi một thể chế chính trị chuyên quyền và bảo thủ.
Nhưng Pheu Thai, vốn được kỳ vọng sẽ duy trì chuỗi chiến thắng cho đảng và những người tiền nhiệm kể từ chiến thắng năm 2001 của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cũng phải nhận ra rằng ứng cử viên của họ có thể sẽ "rớt đài" nếu vẫn liên minh với đảng Tiến bước.
Pheu Thai đã mất vị thế là đảng được yêu thích nhất ở Thái Lan, một phần bởi các cử tri không còn xác định được đảng này đại diện cho điều gì.
Để thành lập một chính phủ với những người mà trước đây họ thề sẽ không bao giờ hợp tác sẽ đòi hỏi phải tính toán lại câu chuyện của họ về "sự thay đổi" và cách lãnh đạo của họ đối với một chính phủ mới có thể chấm dứt nhiều thập kỷ bất ổn chính trị ở Thái Lan.
Pheu Thai có quyền đề cử bất kỳ ứng cử viên nào trong số 3 ứng viên được chỉ định làm lãnh đạo tiềm năng trong chiến dịch tranh cử, bao gồm Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin.
Tuy nhiên, Paetongtarn sẽ là một lựa chọn mạo hiểm, do sự thù địch của giới thượng lưu đối với gia tộc Shinawatra. Chính Paetongtarn cũng cho rằng đảng Pheu Thai nên lựa chọn tỷ phú bất động sản Srettha Thavisin làm ứng cử viên Thủ tướng.
Bất kể đảng Tiến bước sẽ đứng đâu trong chính phủ sắp tới, việc đảng này nhận được gần 2/5 số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 đã cho thấy nhu cầu cải tổ các thể chế bảo thủ đang ngày càng nổi lên tại Thái Lan.
Chính phủ tiếp theo sẽ phải tìm cách xoa dịu tiếng nói của đảng Tiến bước nhằm tránh đi vào "vết xe đổ" mà Thái Lan đã trải qua một thập kỷ trước.
Bài viết thể hiện quan điểm của Aim Sinpeng - giảng viên cao cấp về chính trị so sánh tại Đại học Sydney.