Việc liên tiếp phát hiện những ca nhiễm viêm màng não mô cầu ở Hải Dương, Hà Nội khiến nhu cầu tiêm vacxin phòng bệnh của người dân tăng cao đột biến. Tuy nhiên ở cả Hà Nội và TP HCM cũng đang phải lao đao với tình trạng "cháy" vacxin.
Người dân có thể tiêm cả hai loại vaccine BC và AC để tăng thêm khả năng miễn dịch với bệnh não mô cầu. Tuy nhiên, vacxin chủng A,C của Pháp dùng để tiêm phòng bệnh cho nhóm trẻ dưới 6 tuổi và người lớn đều đã hết.
Vacxin chủng A,C của Pháp dùng để tiêm phòng bệnh cho nhóm trẻ dưới 6 tuổi và người lớn đều đã hết.
Đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, trong tháng 4/2016, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu 160 nghìn liều vaccine phòng bệnh nhiễm não mô cầu, trong đó có 60 nghìn liều Polysaccharide meningococcal AC và 100 nghìn liều VA-MENGOC-BC.
Trong đó, vaccine Polysaccharide meningococcal A+C dành cho nhóm trẻ từ 2 tuổi trở lên, vaccine VA-MENGOC-BC cho nhóm từ 3 tháng tuổi trở lên.
Để đảm bảo cung ứng cho nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh não mô cầu của nhân dân, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh theo dõi sát diễn biến bệnh trên địa bàn kịp thời chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng lập dự trù, có kế hoạch mua và sử dụng vaccine với các công ty nhập khẩu, kinh doanh vaccine.
Đồng thời, đề nghị các công ty nhập khẩu, kinh doanh vaccine khi nhận được dự trù của các cơ sở tiêm chủng phải chủ động lập kế hoạch và liên hệ với các đối tác nước ngoài để đặt hàng với mục tiêu cung ứng đủ vaccine theo nhu cầu của các đơn vị.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, vi khuẩn viêm não mô cầu gồm 6 tuýp cơ bản Q, B, C, W135, X, Y. Tuy nhiên, tại Việt Nam hay gặp nhất là type A, B. Do đó, người dân có thể tiêm cả hai loại vaccine BC (ngừa type B, C) và AC (ngừa type A, C) để tăng thêm khả năng miễn dịch.
Cách phòng bệnh viêm màng não mô cầu: Trả lời trên báo Kiến Thức, ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết nếu chưa được tiêm phòng vacxin ngừa viêm màng não mô cầu, người dân cần tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh này, nếu đã tiếp xúc thì phải dùng thuốc dự phòng; súc họng hằng ngày bằng nước muối hoặc các dung dịch sát trùng mũi họng; giữ vệ sinh thân thể, thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc. Cũng liên quan đến vấn đề này, theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người có nguy cơ cao bị lây bệnh như: người tiếp xúc gần với bệnh nhân khi ho văng vi khuẩn vào mặt, những người cùng gia đình sinh hoạt với người mắc bệnh…thì cần phải uống kháng sinh dự phòng (theo chỉ định của bác sĩ). Còn đối với những người tiếp xúc khác như ở cộng đồng thì cần phải theo dõi sức khỏe, khi bị sốt cần phải điều trị và làm các chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Tiến sĩ Kính cho biết thêm, do đây là bệnh do vi khuẩn gây nên, bởi vậy đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và nguồn lây nhiễm có vai trò rất quan trọng và đạt hiệu quả cao trong phòng bệnh. Các chuyên gia cũng lưu ý tiêm vacxin là giải pháp phòng bệnh chủ động nhưng không phải là biện pháp phòng bệnh duy nhất. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để hạn chế sự xâm nhập và lây lan ra cộng đồng cũng như phòng bệnh có hiệu quả bệnh viêm màng não do não mô cầu, người dân cần thực hiện một số biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm phòng vacxin phòng bệnh. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần thông báo cho các cơ sở y tế ở địa phương để được điều tra giám sát và xử lý kịp thời. |
Nha Trang