Viện Khoa học Weizmann (WIS) ở miền Trung Israel ngày 6/9 thông báo các nhà nghiên cứu tế bào gốc đã tạo ra và nuôi dưỡng thành công các mô hình phôi người nhân tạo bên ngoài tử cung cho đến ngày thứ 14.
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science, các nhà khoa học đã tạo ra các mô hình phôi tế bào gốc nhân tạo mô phỏng chính xác tất cả đặc tính và thành phần cơ bản của giai đoạn phát triển này, gồm nhau thai, túi noãn hoàng, túi màng đệm và các loại mô bên ngoài cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển liên tục và khỏe mạnh.
Thay vì sử dụng trứng đã thụ tinh hoặc tử cung, các nhà khoa học đã bắt đầu quá trình này với các tế bào gốc đa năng có nguồn gốc từ con người, được nhóm lập trình lại để có thể trở thành bất kỳ loại tế bào nào.
Các nhà khoa học chia các tế bào gốc thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên, mà từ đó phôi được phát triển, được giữ nguyên trong khi 2 nhóm còn lại được xử lý bằng hóa chất để tăng biểu hiện của các gene cần thiết cho việc tạo ra 3 loại mô ngoài phôi hỗ trợ sự phát triển của phôi.
Sau đó, các tế bào từ 3 nhóm này được trộn lẫn trong điều kiện đặc biệt và phát triển thành các tập hợp tế bào, phát triển bên ngoài tử cung cho đến ngày thứ 14.
Nhà khoa học Jacob Hanna tại WIS, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các mô hình phôi người nhân tạo có thể được sử dụng để phát hiện những tín hiệu đảm bảo sự phát triển phù hợp ở giai đoạn đầu và qua đó ngăn ngừa dị tật bẩm sinh.
Thông báo của WIS cho biết do tính chất phức tạp, các mô hình phôi người do nhóm nghiên cứu WIS tạo ra có thể là cơ hội chưa từng có mang lại những hiểu biết mới về giai đoạn đầu của phôi.
WIS cũng lưu ý phương pháp mới này cũng có thể giúp làm rõ nguyên nhân của nhiều loại vô sinh.
Điều này góp phần tạo động lực để các nhà khoa học tạo ra các công nghệ mới để phát triển các mô và các cơ quan cấy ghép, cũng như cung cấp các thí nghiệm không thể thực hiện được trên phôi sống, như thử nghiệm tác động của phơi nhiễm thuốc đối với sự phát triển của thai nhi.