Thành phố Hồ Chí Minh kích hoạt lại Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trước dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Chiều tối 27/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo định kỳ về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch. Nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin về tình hình dịch COVID-19, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc COVID-19 mới tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu gia tăng và tăng rất nhanh từ ngày 14/4. Số ca nhiễm mới tăng nên kéo theo số bệnh nhân nhập viện cũng tăng.

Nguyên nhân gia tăng theo ghi nhận, phân tích từ hệ thống giám sát của ngành y tế là do sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron, trong đó biến thể X.B.B.1.16 là nguyên nhân chủ yếu khiến số ca nhiễm mới tăng nhanh. Báo cáo từ các quốc gia khác cho thấy, chưa ghi nhận tình trạng biến thể phụ này làm nặng hơn tình trạng của bệnh. Tuy nhiên, theo bà Lê Hồng Nga, mặc dù ca mắc COVID-19 mới tăng cao nhưng số lượng bệnh nhân diễn tiến nặng không nhiều, vẫn còn trong tầm kiểm soát. Báo cáo từ các quốc gia khác cũng chưa ghi nhận tình trạng biến thể phụ này làm nặng hơn tình trạng của bệnh.

Trước tình hình trên, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã họp, chỉ đạo tất cả bệnh viện trên địa bàn phải chuẩn bị nghiêm túc, sẵn sàng ứng phó, đáp ứng khi tỷ lệ người mắc COVID-19 nhập viện tăng cao. Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố lưu ý các bệnh viện cần rà soát lại những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện trong độ tuổi thuộc nhóm đối tượng nguy cơ đã tiêm đủ 4 liều vaccine ngừa COVID-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế hay chưa. Nếu chưa đủ, các bệnh viện phải tổ chức tiêm vaccine đầy đủ cho những người bệnh này trước khi xuất viện.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Đặc biệt, Sở Y tế kích hoạt lại “Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ” trước dịch COVID-19 với những nhóm đối tượng là người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai với một số hoạt động chủ yếu.

Cụ thể, Sở sẽ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp phường, xã phải rà soát, lập danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn, đảm bảo tất cả được tiêm chủng vaccine đầy đủ (theo khuyến cáo là 4 liều). Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ không đến được điểm tiêm, địa phương cần bố trí các đội tiêm vaccine đến tiêm tại nhà cho người dân, đảm bảo an toàn và không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo bà Lê Hồng Nga, việc chăm sóc người lớn tuổi, người mắc bệnh lý nền rất quan trọng, bởi nếu những người này mắc COVID-19 sẽ rất dễ chuyển biến nặng. Do đó, khi những người thuộc nhóm nguy cơ có dấu hiệu mắc COVID-19, phải lập tức khai báo với cơ quan y tế địa phương để được chăm sóc, hỗ trợ kịp thời. Với những hộ gia đình có có người lớn tuổi, người có bệnh nền hoặc thai phụ, tất cả các thành viên trong gia đình phải tiêm ngừa đầy đủ để hạn chế lây nhiễm cho người thuộc nhóm nguy cơ.

Để ngăn chặn tình trạng lây lan của dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo mỗi người dân ngoài việc tiêm chủng vaccine đầy đủ cũng phải có ý thức tự giác thực hiện các biện pháp dự phòng như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang; giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập tại các nơi công cộng, nhất là vào các dịp lễ, hội; đeo khẩu trang khi chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.

Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, tuyệt đối không tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ, cần liên hệ ngay với y tế địa phương để được hướng dẫn. Khi xác định mắc COVID-19, cần phải cách ly tuyệt đối với người thuộc nhóm nguy cơ, nếu gia đình không có đủ điều kiện cách ly thì người nhiễm và người thuộc nhóm nguy cơ không nên ở chung nhà.

Trước thông tin nhiều người dân phản ánh khi liên hệ các điểm tiêm vaccine theo danh sách do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thì nhận được câu trả lời là chưa đến đợt tổ chức tiêm hoặc điểm tiêm không có vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, bà Lê Hồng Nga cho biết, nguồn vaccine ngừa COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đều do Bộ Y tế cung cấp. Hiện vaccine AstraZeneca đang được sử dụng để tiêm mũi cơ bản, nhắc lại cho người lớn. Riêng vaccine dành cho trẻ em đang tạm thời gián đoạn, chờ Bộ Y tế cung ứng thêm. HCDC cũng đã cập nhật đầy đủ danh sách điểm tiêm ngừa COVID-19 trên địa bàn Thành phố, người dân có thể theo dõi, thuận tiện đi tiêm ngừa.

Về việc người dân muốn biết thuốc Sunkovir – một loại thuốc y học cổ truyền được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chưa, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thuốc Sunkovir được Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành tại Quyết định số 82/QĐ-YDCT ngày 12/4/2023 về việc ban hành Danh mục thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam - Đợt 8. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì có thêm một bài thuốc từ dược liệu được cấp phép ứng dụng vào thực tế điều trị cho người dân. Tuy nhiên, cần làm rõ thông tin về chỉ định của thuốc Sunkovir để bệnh nhân và các nhà lâm sàng hiểu và sử dụng đúng thuốc, đúng bệnh.

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, căn cứ thông tin từ mẫu nhãn thuốc, thuốc Sunkovir có chỉ định “điều trị thương hàn, ôn dịch với các triệu chứng sốt, đau đầu, đau cứng vai gáy, sợ lạnh, chân tay nhức mỏi, ho có đờm, nghẹt mũi, khản tiếng, nôn lợm. Dùng cho các trường hợp mắc bệnh do các virus lây truyền qua đường hô hấp (cúm, COVID-19 thể nhẹ) giai đoạn khởi phát thể hàn thấp”. Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, các thông tin trên đều định hướng thuốc Sunkovir có tác dụng hỗ trợ điều trị để giảm nhanh những triệu chứng thường gặp trong các bệnh do virus gây ra.

Hải Phòng: Đội ngũ trí thức - nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động
Hải Phòng: Đội ngũ trí thức - nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động
(Ngày Nay) - Thành phố Hải Phòng đã có chủ trương cùng nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, bố trí kinh phí, cơ sở, vật chất để bảo đảm điều kiện hoạt động cho đội ngũ trí thức. Hải Phòng xác định, đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước và mỗi địa phương.
15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm​ tại TP.HCM
15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm​ tại TP.HCM
(Ngày Nay) - Tối 2/5, thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đang điều trị, theo dõi tình hình sức khoẻ của 15 học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn nhập viện với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Ảnh minh họa
Ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
(Ngày Nay) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Theo hướng dẫn, đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thi, Điểm thi và công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra thi của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Ảnh minh họa
Trẻ em Hàn Quốc dành quá nhiều thời gian cho việc học
(Ngày Nay) -  Theo hãng tin Yonhap, hơn 60% số trẻ em Hàn Quốc dành thời gian cho việc học nhiều hơn mức được khuyến nghị. Đây là kết quả khảo sát do tổ chức phúc lợi trẻ em Childfund Korea tiến hành và công bố ngày 2/5.
Ảnh minh họa
Bắc Bộ và Thanh Hóa cục bộ có mưa to đến rất to
(Ngày Nay) -  Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ chiều tối 2/5 đến ngày 3/5, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.
Ảnh minh họa
Tuyển sinh đầu cấp: TP HCM ưu tiên phân bổ học sinh học ở gần nơi cư trú nhất
(Ngày Nay) -  Nhằm tạo thuận lợi trong công tác tuyển sinh đầu cấp, năm học này Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS) trên toàn địa bàn để phân bổ học sinh vào chỗ học gần nhà nhất. Đặc biệt, việc phân bổ chỗ học cho học sinh chủ yếu dựa vào một tiêu chí là "nơi ở hiện tại" thay vì dựa trên nhiều tiêu chí năm học trước.