Về bản chất, việc thu phí tham quan nằm trong xu thế phát triển bền vững của du lịch, "lấy địa điểm nuôi địa điểm”, từng được UNESCO khuyến cáo tới các quốc gia có di sản ghi danh bởi tổ chức này. Đề xuất thu phí của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn mở ra những vấn đề liên quan đến nguồn lực phát triển du lịch cho các địa phương còn khó khăn, việc các điểm đến đã ghi danh có trách nhiệm thực hiện các khuyến nghị quốc tế cũng như nỗ lực để không tái diễn tình trạng du khách "méo mặt" trả phí dịch vụ cho các đơn vị tư nhân.
Cần nguồn lực để duy trì, phát triển du lịch
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang với tổng diện tích lên đến 2.356 km2. Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên được UNESCO ghi danh tại Việt Nam và là công viên thứ hai tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Sau 13 năm được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO và đón tiếp hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, hiện tại, Hà Giang đang hoàn thiện đề án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nhằm có thêm nguồn thu cho phát triển du lịch tại địa phương.
Chia sẻ về đề án thu phí tham quan, Ông Hoàng Xuân Đôn, trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, cho biết từ nhiều năm qua công viên địa chất là điểm dừng chân chính của các hành trình đến với Hà Giang. Lượng khách này tăng đều qua các năm. Trong năm 2022, lượng khách du lịch đạt hơn 2,2 triệu lượt, trong đó 65% du khách ghé thăm Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ở vào vị trí trung tâm của định hướng phát triển du lịch toàn tỉnh, nhưng nguồn thu từ hoạt động du lịch tại khu vực chưa cao. Tổng thu từ hoạt động du lịch của tỉnh trong năm 2022 chỉ đạt hơn 4.5 tỷ đồng.
Tỉnh đầu tư xây dựng khoảng 40 điểm có thể thu phí, nhưng trong thực tế chỉ thu phí 3 điểm gồm Cột cờ Lũng Cú, Nhà Vương (Đồng Văn), hang Lùng Khúy (Quản Bạ). Từ năm 2017 đến năm 2021, tổng phí thu được từ ba địa điểm đạt khoảng 29 tỷ đồng, sau khi nộp ngân sách số tiền chỉ còn 17,2 tỷ đồng. Khoản tiền này không đủ duy trì các điểm đến trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Trước đó, tỉnh Hà Giang đã chuẩn bị cho việc thu phí tham quan từ 4 năm nay nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa thể triển khai.
Trong cuộc tọa đàm về xây dựng sản phẩm du lịch mới được tổ chức vào tháng 4/2023, Hà Giang đề xuất và xin ý kiến về việc thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn theo số đêm lưu trú.
Nguồn kinh phí thu được sẽ được chi cho đơn vị tổ chức quản lý thu phí, cơ sở lưu trú trực tiếp thu phí, bảo tồn, bảo vệ, xây dựng sản phẩm mới ở cao nguyên đá Đồng Văn. Mức phân chia nguồn thu phí có các đơn vị là: Ủy ban Nhân dân các huyện, xã, thị trấn 20%; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tiếp thu phí 20%; nộp ngân sách nhà nước 60%. Nguồn phí này sẽ được phục vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường.
Với đề án thu phí thông qua lượt lưu trú, Hà Giang dự kiến tổ chức thu với 3 phương án là 20, 30, 40 nghìn đồng/người/đêm đối với người lớn; 10, 15, 20 nghìn đồng/người/đêm đối với trẻ em. Theo phương án này, dự kiến vào năm 2024, khi lượng khách tham quan cao nguyên đá Đồng Văn ước chừng khoảng 1,78 triệu lượt, dự thu hơn 70 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ được chi cho đơn vị tổ chức quản lý thu phí, cơ sở lưu trú trực tiếp thu phí, bảo tồn, bảo vệ, xây dựng sản phẩm mới ở công viên địa chất.
Nhận định thu phí là vấn đề tác động đến nhiều đối tượng, nên trước khi thực hiện thu phí, Hà Giang đã làm đề án thu phí và xin ý kiến của các đối tượng bị tác động và nhân dân. Cụ thể tỉnh đã tiến hành điều tra xã hội học về việc thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn. Kết quả điều tra cho thấy trên 50% khách du lịch (422 khách tham quan cao nguyên đá Đồng Văn) đồng ý với việc thu phí. Riêng tỉ lệ khách quốc tế ủng hộ phương án này chiếm đa số.
Hà Giang cũng hướng đến xây dựng phương án thu phí và quản lý một cách công bằng, công khai, minh bạch để bảo đảm khoản tiền thu được sẽ được sử dụng để bảo tồn và phát triển du lịch một cách hiệu quả. "Trong quá trình lấy ý kiến về đề án thu phí, chúng tôi nhận thấy du khách quốc tế rất ủng hộ. Họ cũng yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu và việc chi trả cho đầu tư, phát triển công viên địa chất", ông Đôn cung cấp thêm.
Thu phí là khuyến nghị bắt buộc của UNESCO
Bên cạnh phát triển, đề xuất thu phí tham quan Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn là "điều cần thiết" để đáp ứng tiêu chí của một địa điểm được UNESCO công nhận.
Theo quy định của tổ chức này, mỗi 4 năm các chuyên gia UNESCO sẽ tái đánh giá tình hình phát triển của công viên địa chất và đưa ra những khuyến nghị yêu cầu địa phương thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Nếu không hoàn thành 90% khuyến nghị đưa ra, địa điểm sẽ nhận thẻ vàng (cho tiếp hai năm để thực hiện) hoặc thẻ đỏ (tước danh hiệu).
UNESCO khuyến nghị nhiều hoạt động từ bảo tồn, quy hoạch, giáo dục cộng đồng, phát triển cộng đồng, bảo vệ văn hóa thiểu số, đa dạng sinh học đến đầu tư và làm du lịch bền vững. Đây là những kế tiêu tốn trực tiếp của Hà Giang tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chưa kể các chi phí gián tiếp như các dự án giao thông, điện, nước, viễn thông...
Để tìm hiểu về những khuyến nghị đặt ra với Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với ông Guy Martini, Chuyên gia tư vấn cao cấp Quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Trong cuộc trao đổi, ông Martini nhấn mạnh, thông thường, bên cạnh những khuyến nghị về hoạt động bảo tồn công viên địa chất, UNESCO cũng có những khuyến nghị dành riêng cho quy hoạch, giáo dục cộng đồng, phát triển cộng đồng, bảo vệ văn hóa thiểu số, đa dạng sinh học đến đầu tư và làm du lịch bền vững.
Trong giai đoạn năm 2018 - 2022, khuyến nghị của các chuyên gia thuộc Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đề cập tới việc yêu cầu thu phí của khách du lịch lưu trú qua đêm, nhằm bổ sung nguồn thu để bảo tồn và phát triển Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.
“Hiện tại, UNESCO không cung cấp bất kỳ hỗ trợ tài chính nào hệ thống cho các công viên địa chất. Với khoản phí nhỏ và mang tính tượng trưng (khoảng 30.000 - 40.000 đồng) mà mỗi du khách trong và ngoài nước đóng góp khi lưu trú tại Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn có thể cung cấp khoản bổ sung để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của địa điểm độc đáo này. Tôi tin tưởng đây là một chính sách phù hợp của lãnh đạo Hà Giang, đảm bảo sự chuyển giao phù hợp tài nguyên này đến các thế hệ tương lai”, ông Martini nhận định.
Cũng theo ông Martini, thuế du lịch lưu trú qua đêm đang được thu ở rất nhiều điểm đến du lịch trên khắp thế giới. Mức phí thường dao động từ 1 đến 4,5 Euro/người/đêm. Đặc biệt phí lưu trú được áp dụng cho các khu vực thiên nhiên để bảo vệ những địa điểm này trước làn sóng ghé thăm đông đảo của du khách. Theo nguyên tắc chung, du khách không có vấn đề gì trước những chi phí này vì dễ dàng hiểu rằng các khoản đóng góp là cần thiết giúp quản lý tốt địa điểm và cung cấp những dịch vụ cơ bản cho kỳ nghỉ của họ.
Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã nghiên cứu một số khả năng và đặc biệt quan tâm đến việc thu phí qua đêm của khách du lịch. Đây là một giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn so với việc thiết lập "thu phí du lịch" ở lối vào Công viên địa chất. Một giải pháp khác có thể được xem xét là tổ chức thu phí vào cửa các địa điểm nhưng mô hình bán vé này khá cồng kềnh, rõ ràng làm tăng chi phí quản lý lên gấp bội. Theo tôi, việc Chính phủ Hà Giang lựa chọn xem xét khả năng thu phí lưu trú qua đêm đối với khách du lịch là hợp lý và hiệu quả nhất.
Ông Guy Martini
“Khoản phí cũng nhắc nhở du khách rằng họ đang ở trong một khu vực đòi hỏi nhiều sự can thiệp nhân tạo với những chỉnh trang cần thiết để phục vụ du khách. Đây là trách nhiệm tài chính cần phải san sẻ, không thể dựa hoàn toàn vào nguồn lực của cộng đồng địa phương”, chuyên gia UNESCO nhấn mạnh.
Từ góc nhìn trên thực địa, ông Guy Martini nhận xét Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn là khu vực thiên nhiên sống động và đẹp đẽ, tuy nhiên với các hoạt động du lịch, địa điểm cần lưu ý đặc biệt đến việc chỉnh trang và bảo trì các điểm đến, hỗ trợ bảo tồn bản sắc dân tộc, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ kiến trúc truyền thống, quản lý nước và chất thải, cần điều tiết để tránh quá tải gây ra bởi du khách…
Nỗ lực làm du lịch của vùng đất địa đầu tổ quốc
Các huyện nằm trong phạm vi Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn là 4/62 huyện nghèo nhất của cả nước. Với 17 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số hơn 87%. Khu vực cao nguyên đá Đồng Văn tuy được xem là đạt bước tiến lớn khi giảm tỷ lệ hộ nghèo vào năm 2020, nhưng số hộ nghèo tại đây vẫn ở mức cao lên đến 42%. Mặc dù nhận được sự đầu tư và quan tâm đặc biệt từ TW nhưng sau dịch bệnh COVID-19, cuộc sống của đồng bào còn vô vàn khó khăn so với những địa phương khác.
Nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển cao nguyên đá Đồng Văn từ trước đến nay được sử dụng từ ngân sách địa phương, như hệ thống giao thông, nước sạch, an ninh chính trị và quốc phòng, xây dựng các mô hình du lịch… Với xu thế phát triển của Cao nguyên đá Đồng Văn trong giai đoạn tới, nếu chỉ chờ nguồn kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước sẽ "thiếu hụt trầm trọng, không thể đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển".
Theo ông Trần Văn Tân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản, Hà Giang đã tích cực triển khai xây dựng nhiều điểm du lịch mới, mở nhiều tuyến đường, xây dựng các lối, các công trình điểm dừng chân, xây dựng hàng trăm bãi đỗ xe, hệ thống biển bảng thông tin, hệ thống thu gom rác thải, tổ chức sự kiện, lễ hội, bảo vệ, duy tu bảo dưỡng hệ thống di sản, xây dựng bộ máy, nguồn lực quản lý…. phục vụ du khách từ nguồn ngân sách địa phương.
Tuy hoạt động khá hiệu quả và đáp ứng phần nào nhu cầu của du khách, nhưng nguồn thu ngân sách đem lại vẫn ở mức thấp. Trong khi đây là những dịch vụ cần thiết và càng ngày càng phải được hoàn thiện để mang lại chất lượng tốt hơn cho du khách.
"Chuyện khách du lịch trả một số phí tham quan là điều tất nhiên, bởi tuy thiên nhiên không cần trùng tu nhưng cần bảo vệ và những hành động can thiệp để khiến địa điểm dễ tiếp cận và an toàn hơn đối với du khách", ông Tân nói và đưa ra ví dụ về điểm đến Dốc Thẩm Mã ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Đó là cung đèo đẹp nhưng chỉ có một chỗ duy nhất để ngắm nhìn toàn cảnh. Địa phương phải đến địa điểm này để dọn dẹp mặt bằng, tạo điểm quan sát với bãi đỗ xe, hàng rào bảo vệ, nghiên cứu là hệ thống biển bảng giải thích bản chất và lịch sử của điểm tham quan.
"Tất cả những điều này góp phần nâng cao kiến thức, tiện ích cho du khách trải nghiệm, như vậy không nên hiểu thu phí du lịch là tận thu từ thiên nhiên mà là địa phương nâng cao dịch vụ để số tiền quay lại phục vụ chính du khách", ông Tân lý giải.
“Với hệ thống khuyến nghị và tiêu chí ngày càng cao của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, cũng như nhu cầu từ du khách, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, quảng bá, giáo dục, bảo tồn và quản lý cũng tăng theo. Chí phí cho mỗi kỳ tái thẩm định sẽ vượt quá khả năng của tỉnh.
Đặc biệt, tại cao nguyên đá Đồng Văn các điểm tham quan rất dàn trải, nếu thu phí theo từng điểm thì mỗi điểm mất thêm 5 - 7 người làm việc nên lượng nhân công khá lớn. Hơn nữa, về mặt cảm xúc sẽ gây khó chịu cho du khách vì một ngày phải “rút ví” vài chục lần để mua vé tham quan. “Còn nếu thu tại 1 điểm thì mức thu sẽ là bao nhiêu và phương án thu phí như thế nào vẫn đang được bàn bạc”, ông Hoàng Xuân Đôn cho biết.
Bên cạnh đó, nhìn nhận vào tương lai của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn khi nguồn lực của tỉnh đổ về khu vực này đang dần cạn kiệt do những khó khăn đến từ bối cảnh xã hội. Trong tương lai không xa, chất lượng các địa điểm tham quan, vãn cảnh tại nơi đây sẽ dần đi xuống nếu không được duy tu, bảo dưỡng. Cần tính đến khả năng, khi không có những điểm đến tốt để thu phí, địa phương buộc phải chấp nhận cho các doanh nghiệp tham gia làm dịch vụ.
Các điểm đến do doanh nghiệp sẽ không còn mức phí ngang mặt bằng giá của nhà nước. Trong quá khứ, đã có bài học khi Hà Giang giao các địa điểm quan sát như Panorama (Mã Pì Lèng) nhưng doanh nghiệp thu của du khách tới 30.000 đồng/người.
Bởi doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu là lợi nhuận nên thiệt hại, nếu có, về chi phí tham quan đối với du khách sẽ lớn hơn. Nếu các điểm đến đẹp, có tầm nhìn tốt đến một lúc nào đó được địa phương phê duyệt cho tư nhân vì không đủ kinh phí duy trì, rất dễ tái diễn tình cảnh du khách "méo mặt" trả tiền cho các doanh nghiệp.
Trong một diễn biến khác, trả lời báo chí về việc thu phí tham quan tại Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, việc thu phí là một vấn đề nhạy cảm bởi điều này tác động lớn đến tâm lý du khách nhiều hơn là số tiền họ chi tiêu.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng nếu thu ngay lúc này, có thể chưa hợp lý. Nhưng trong tương lai, việc thu phí cần được cân nhắc. “Chúng ta cần thu hút du khách, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm sau đó mới tính toán thu phí để thu hút đầu tư, quản lý di sản và tổ chức các hoạt động nâng tầm thương hiệu, hướng đến chất lượng của du lịch và phân khúc du khách phù hợp”.
Theo đó, tỉnh Hà Giang và Ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn vẫn đang trong quá trình cung cấp thông tin, ghi nhận ý kiến từ cộng đồng để tìm ra phương án thu phí hợp lý nhất.
Phí các địa điểm du lịch khác trong và ngoài nước:
Các loại hình thu vé của các di sản trên thế giới có nhiều loại: thuế du lịch; Phí bảo vệ tài nguyên, môi trường; Phí tiêu dùng dịch vụ du lịch…. Hiện các Di sản UNESCO tại Việt Nam và thế giới đa số đều thu phí tham quan: Phong Nha - Kẻ Bàng 150.000 - 400.000 VND (chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); Đại Nội Huế 150.000 VND; Hội An 80.000 - 120.000 VND (chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); Vịnh Hạ Long 250.000 - 750.000 VND (chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); CVĐC Thạch Lâm (Trung Quốc) 275 - 280 NDT (tương đương 935.000 - 952.000VND); CVĐC English Riviera (Vương quốc Anh) 7 euro /1 đêm (tương đương 203.000 VND, chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); CVĐC Madonna di Campiglio (Italia) 2,50 euro /1 đêm (tương đương 70.000 VND, chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); Đền Angcovat (Campuchia) 37 USD (tương đương 851.000 VND)...
Một số khu vực được công nhận di sản, hoặc các thành phố, quốc gia trên thế giới cũng tồn tại một hình thức thu vé được gọi là tourist tax: vùng Catalonia và Đảo Balearic thu 17,75 và 14 euro tương ứng với kỳ nghỉ 7 ngày; Brussels thu 14, 56, 70 euro tương ứng với các khách sạn 3, 4, 5 sao trong vòng 7 ngày; Roma thu 49 euro cho 7 ngày; Pari thu 20,10 euro; Nhật Bản thu 1000 yên (tương đương 9 USD, bằng 200.000 VND) sẵn trong vé máy bay hoặc tàu thủy; Phillipine thu 30, 50 USD tương ứng với hạng khách phổ thông và cao cấp; Malaysia thu từ 2,50 đến 20 ringit cho mỗi đêm khách lưu trú…
Lượng khách và doanh thu du lịch trên vùng CVĐC trong khoảng 2010-2020 tăng trung bình 15-20%/ năm cao hơn mức trung bình toàn tỉnh (10%/năm) và là động lực phát triển du lịch chính của tỉnh.
Các loại hình thu vé của các di sản trên thế giới có nhiều loại: thuế du lịch; Phí bảo vệ tài nguyên, môi trường; Phí tiêu dùng dịch vụ du lịch….
Hiện các Di sản UNESCO tại Việt Nam và thế giới đa số đều thu phí tham quan: Phong Nha - Kẻ Bàng 150.000 - 400.000 VND (chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); Đại Nội Huế 150.000 VND; Hội An 80.000 - 120.000 VND (chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); Vịnh Hạ Long 250.000 - 750.000 VND (chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); CVĐC Thạch Lâm (Trung Quốc) 275 - 280 NDT (tương đương 935.000 - 952.000VND); CVĐC English Riviera (Vương quốc Anh) 7 euro /1 đêm (tương đương 203.000 VND, chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); CVĐC Madonna di Campiglio (Italia) 2,50 euro /1 đêm (tương đương 70.000 VND, chưa bao gồm dịch vụ và các điểm tham quan lẻ); Đền Angcovat (Campuchia) 37 USD (tương đương 851.000 VND)...
Một số khu vực được công nhận di sản, hoặc các thành phố, quốc gia trên thế giới cũng tồn tại một hình thức thu vé được gọi là tourist tax: vùng Catalonia và Đảo Balearic thu 17,75 và 14 euro tương ứng với kỳ nghỉ 7 ngày; Brussels thu 14, 56, 70 euro tương ứng với các khách sạn 3, 4, 5 sao trong vòng 7 ngày; Roma thu 49 euro cho 7 ngày; Pari thu 20,10 euro; Nhật Bản thu 1000 yên (tương đương 9 USD, bằng 200.000 VND) sẵn trong vé máy bay hoặc tàu thủy; Phillipine thu 30, 50 USD tương ứng với hạng khách phổ thông và cao cấp; Malaysia thu từ 2,50 đến 20 ringit cho mỗi đêm khách lưu trú…