Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7% (tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian) đưa ra trong Báo cáo nhanh số trước (công bố ngày 27 tháng 5).
3 kịch bản cho 6 tháng cuối năm
Theo ILO, đại đa số người lao động trên thế giới (93%) vẫn đang sống ở những quốc gia hiện vẫn áp dụng biện pháp liên quan đến đóng cửa nơi làm việc, trong đó các nước châu Mỹ hiện đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất.
Những số liệu mới của ILO cho thấy, trong những tuần qua, tình hình đang diễn biến xấu đi ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở những nền kinh tế đang phát triển. Xét theo khu vực, tổn thất về số giờ làm việc trong quý II thống kê được là: Châu Mỹ (18,3%), châu Âu và Trung Á (13,9%), châu Á và Thái Bình Dương (13,5%), các quốc gia Arab (13,2%) và châu Phi (12,1%.)
Báo cáo cũng phác thảo ba kịch bản cho công cuộc phục hồi trong nửa cuối năm 2020: Kịch bản cơ bản, tiêu cực và lạc quan. Báo cáo nhấn mạnh kết quả trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch và lựa chọn chính sách của chính phủ.
Kịch bản 1 là mô hình phục hồi cơ bản, dự báo tổn thất về giờ làm việc giảm 4,9% (tương đương với 140 triệu lao động toàn thời gian) so với quý IV năm 2019. Kịch bản này xảy ra khi công cuộc khôi phục các hoạt động kinh tế được thực hiện theo dự báo, các biện pháp hạn chế đối với nơi làm việc được dỡ bỏ và tiêu dùng và đầu tư được khôi phục.
Kịch bản tiêu cực, giả định làn sóng dịch thứ hai bùng phát và các biện pháp khống chế dịch bệnh được thiết lập lại, khiến công cuộc phục hồi chậm lại đáng kể. Hệ quả của nó là số giờ làm việc sẽ giảm 11,9% (tương đương với 340 triệu lao động toàn thời gian) so với quý IV năm 2019.
Kịch bản lạc quan, giả định việc làm của người lao động được nhanh chóng khôi phục lại, thúc đẩy đáng kể tổng cầu và tạo việc làm. Với sự phục hồi đặc biệt nhanh này, mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu sẽ chỉ còn giảm 1,2% (tương đương với 34 triệu lao động toàn thời gian) so với quý IV năm 2019.
Giải quyết những thách thức chính
Báo cáo cũng một lần nữa chỉ ra rằng lao động nữ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch. Điều này có nguy cơ làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới liên quan đến lao động.
Đại dịch COVID-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ là do lao động nữ chiếm số đông trong một số lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, như lĩnh vực lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất. Gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên.
Mặc dù các quốc gia đã triển khai các biện pháp với tốc độ và phạm vi chưa từng có, báo cáo vẫn nêu bật một số thách thức chính mà trước mắt chúng ta vẫn phải đối diện như cần tìm cách cân bằng và thực hiện đúng trình tự các can thiệp chính sách, xã hội, kinh tế và y tế để có thể đem lại kết quả tối ưu cho thị trường lao động.
Theo khuyến cáo của ILO, các quốc gia cần triển khai và duy trì các biện pháp chính sách ở quy mô cần thiết khi nguồn lực có thể dần trở nên hạn chế hơn. Bảo vệ và tạo điều kiện cho các nhóm dễ bị tổn thương, thiệt thòi và bị ảnh hưởng nặng nề để thị trường lao động trở nên công bằng và bình đẳng hơn; đẩy mạnh đối thoại xã hội và tôn trọng quyền.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh: “Những quyết định mà chúng ta lựa chọn lúc này sẽ có tác động trong nhiều năm tới, đến năm 2030 và lâu hơn nữa. Mặc dù các quốc gia đang trải qua những giai đoạn khác nhau của đại dịch và còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta cần nỗ lực gấp đôi nếu muốn vượt qua cuộc khủng hoảng này”.
“Tuần tới ILO sẽ triệu tập Hội nghị Cấp cao Toàn cầu về COVID-19 và thế giới việc làm bằng hình thức trực tuyến. Tôi hy vọng các Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động sẽ tận dụng cơ hội này để trình bày và lắng nghe những ý tưởng sáng tạo, trao đổi những bài học kinh nghiệm và xây dựng được những kế hoạch cụ thể để cùng nhau thực hiện một công cuộc phục hồi chú trọng tạo nhiều việc làm, bao trùm, công bằng và bền vững", Tổng Giám đốc ILO cho biết.