Chiều 21/8, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa có thêm 2 ca bạch hầu được khẳng định.
Đó là một người đàn ông 40 tuổi (dân tộc Êđê, trú tại buôn Trấp, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) và một bé gái 9 tuổi (dân tộc H'Mông, trú tại thôn Cư Tế, xã Cư Pui, huyện Krông Bông).
Trước đó 1 ngày (20/8), ngành Y tế cũng ghi nhận một ca mắc tại huyện Lắk. Bệnh nhân là nữ, 14 tuổi, người dân tộc M’nông, trú tại buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi.
Cho đến nay, Đắk Lắk có 38 trường hợp mắc bạch hầu. Toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 100 người mắc bệnh này, trong đó tỉnh Đắk Nông có 39 ca, Kon Tum 44 ca và Gia Lai 35 ca.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh bạch hầu, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu.
Theo đó, giao ngành y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, đúng quy định nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt tại các địa bàn đã xuất hiện ca bệnh phải khẩn trương tổ chức họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người để triển khai công tác phòng chống dịch; khống chế kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lan rộng, bùng phát trong cộng đồng...
Ngành y tế Đắk Lắk khuyến cáo người dân hạn chế đi lại giữa các địa phương đã xuất hiện các ca bệnh bạch hầu để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Đồng thời, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu bằng cách tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho người lớn và tiêm vắcxin phòng bệnh đúng thời gian, quy định.