Dự thảo do Bộ Nội vụ chủ trì và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra. Trước đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội do Thành ủy Hà Nội trình, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019, trong đó có nội dung thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, trong bối cảnh Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có quy định cụ thể, mặt khác, cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình tổ chức hợp lý chính quyền địa phương có những điểm chưa thật rõ. Do đó, việc tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường để có cơ sở thực tiễn đánh giá khách quan trước khi đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước là cần thiết. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Thẩm tra sơ bộ Tờ trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng việc thí điểm không tổ chức HĐND phường là một chủ trương lớn, quan trọng, mang tính chính trị- xã hội sâu sắc. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội được xây dựng dựa trên các cơ sở chính trị - pháp lý và thực tiễn. Quan điểm của Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên Thường trực Uỷ ban cũng lưu ý, các nội dung thực hiên thí điểm phải đảm bảo nguyên tắc không trái với quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Uỷ ban thẩm tra để nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm về việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các cơ quan, tổ chức có liên quan; việc công bố đăng tải dự thảo Nghị quyết và Tờ trình trên Cổng thông tin điện tử để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý theo quy định tại Điều 57 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, do đó, cần có mô hình chính quyền phù hợp với đặc điểm của thành thị cũng như nông thôn.