Thí sinh 9,5 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng 1, phương thức xét tuyển đại học có đảm bảo công bằng?

(Ngày Nay) - Tính đến thời điểm này, các trường đại học trên cả nước đã hoàn thành công bố điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 năm 2024.
Thí sinh tìm hiểu thông tin về các chương trình, ngành học tại "Ngày xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024". Ảnh tư liệu (minh họa): Hoàng Hiếu/TTXVN
Thí sinh tìm hiểu thông tin về các chương trình, ngành học tại "Ngày xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024". Ảnh tư liệu (minh họa): Hoàng Hiếu/TTXVN

Vấn đề còn khiến dư luận băn khoăn đó là điểm chuẩn một số ngành ở mức rất cao (trên 29 điểm) khiến cho thí sinh dù đạt 9,5 điểm/môn vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành học yêu thích. Một số chuyên gia cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học cần xem xét điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho thí sinh ở tất cả các địa phương, vùng miền.

Phương thức tuyển sinh tiềm ẩn nguy cơ mất công bằng

Năm nay, các ngành có điểm chuẩn cao nhất thuộc về Sư phạm, Báo chí - Truyền thông, Luật, Ngôn ngữ… với tổ hợp xét tuyển khối C00 (Văn, Sử, Địa). Cụ thể, 10 ngành có điểm chuẩn cao nhất là: Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (29,3); Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao (29,2); Quan hệ công chúng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (29,1); Truyền thông quốc tế của Học viện Ngoại giao (29,05); Sư phạm Địa lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (29,05); Hàn Quốc của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội (29,05); Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (29,03); Báo chí của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (28,9); Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (28,89).

Tiến sĩ Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia cho rằng: Điểm chuẩn tăng cao là chuyện không mới mà đã diễn ra trong những năm gần đây, khi số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ít đi. Ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, các trường còn xét tuyển bằng nhiều phương thức khác như: chứng chỉ ILETS, SAT; thi đánh giá năng lực, tư duy; xét điểm học bạ… Điểm chuẩn tăng hay không, tăng như thế nào còn phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường đưa ra. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào mỗi điểm chuẩn để đánh giá mức độ tăng - giảm, càng không nên nhìn vào những ngành chỉ tuyển rất ít chỉ tiêu.

Ví dụ, ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao chỉ tuyển 40 chỉ tiêu và dành 28 suất trong số đó để xét bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Khi lượng chỉ tiêu thấp như vậy, nhà trường buộc phải nâng điểm chuẩn để tuyển vừa đủ số thí sinh theo đề án tuyển sinh. Đó cũng là lý do điểm chuẩn ngành này lên đến 29,2 điểm.

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, việc một số thí sinh điểm cao (trên 9 điểm/môn) vẫn trượt nguyện vọng vào các ngành yêu thích có bất bình đẳng hay không, cần xem xét trên nhiều yếu tố. Nếu thí sinh ở thành phố, trong gia đình có điều kiện mà không tiếp cận được hoặc không đủ điểm để sử dụng phương thức lấy chứng chỉ ILETS, SAT hay đánh giá tư duy thì là do bản thân các em.

Nhưng bất bình đẳng xảy ra nếu là trường hợp các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với việc học và thi ILETS, SAT, không về thành phố để thi đánh giá năng lực được. Do vậy, cần nhìn vào từng trường hợp cụ thể, vào số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá việc này. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tính minh bạch, giúp thí sinh, phụ huynh và xã hội có được cái nhìn tổng quát trên cả nước, Bộ cần công khai các thông tin từ dữ liệu xét tuyển, số lượng thí sinh điểm rất cao vẫn trượt nguyện vọng 1, từ đó có sự điều chỉnh trong chính sách tuyển sinh.

Ông Phạm Hiệp cũng chia sẻ: Các phương thức tuyển sinh hiện nay tiềm ẩn nguy cơ gây mất công bằng với các thí sinh là nhận định có căn cứ. Hiện nay, các trường có quá nhiều phương thức, gây khó hiểu, khó tiếp cận, thậm chí nhiều người trong ngành còn không hiểu được, thí sinh, phụ huynh càng khó để nắm rõ.

Nhìn sang các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn sử dụng một kỳ thi chung để xét tuyển đại học. Ví dụ như kỳ thi cao khảo của Trung Quốc từ nhiều năm nay vẫn được đánh giá rất cao. Do đó, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét giải pháp tổ chức một kỳ thi xét tuyển đại học, không phải kỳ thi kết hợp vừa xét công nhận tốt nghiệp vừa sử dụng kết quả để tuyển sinh như hiện nay. Đề thi cần tăng độ khó để phân loại thí sinh. Việc xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông có thể chỉ cần xét điểm học bạ.

Liên quan đến quyền tự chủ của các trường, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, trong các vấn đề của tự chủ đại học, tự chủ tuyển sinh không nên “buông lỏng”, vì tuyển sinh đòi hỏi tính ổn định, minh bạch, gắn liền với các chính sách chung của nhà nước. Chúng ta chỉ cần một kỳ thi duy nhất và dùng một cách đánh giá chung cho dễ quản lý, vừa đỡ phức tạp, vừa đỡ mất thời gian.

Các trường vẫn có thể tự chủ trong tuyển sinh, bằng cách thay đổi các trọng số của kết quả kỳ thi chung, kết hợp phỏng vấn hoặc dùng điểm SAT hay IELTS cũng được, nhưng chỉ nên lấy làm tiêu chí phụ để cộng điểm ưu tiên, chứ không nên coi đó là tiêu chí chính để tuyển sinh.

Cần một khung tiêu chuẩn chung để xét tuyển

Ở góc độ trường đại học, Tiến sĩ Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng chia sẻ: Nguyên tắc xét tuyển đại học hiện nay vẫn đảm bảo công bằng cho thí sinh vì tiêu chí điểm rõ ràng, công bố từ trước, lấy điểm từ cao xuống thấp. Mỗi học sinh có một thế mạnh riêng và các trường đại học đa dạng hóa các phương thức xét tuyển nhằm tạo cơ hội cho thí sinh có thể xét tuyển vào đại học bằng lợi thế của mình.

Riêng Học viện Ngân hàng, nhà trường dành 50% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, phương thức nữa là xét học bạ, chiếm 10 - 15%. Các phương thức khác như điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ chiếm chỉ tiêu rất nhỏ và những bạn đủ điểm xét tuyển sớm cũng đều xứng đáng.

Đề cập vấn đề tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Mục đích của tuyển sinh vào đại học phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng theo từng phương thức và giữa các phương thức tuyển sinh, đảm bảo nhu cầu đa dạng các ngành học của trường đại học, nhu cầu đa dạng của thí sinh và sự khác biệt vùng miền.

Những năm gần đây, các phương thức tuyển sinh chủ yếu theo kết quả xét tuyển học bạ và điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, theo kỳ thi đánh giá năng lực… Mỗi phương thức đều có ưu điểm và hạn chế.

Ví dụ, xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ có ưu điểm như có thể đánh giá năng lực của học sinh dựa trên quá trình học tập, không chỉ phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất, giúp nhận diện được những học sinh có năng lực ổn định.

Tuy nhiên, kết quả học bạ có thể không phản ánh chính xác năng lực thực sự của học sinh nếu điểm số bị thổi phồng hoặc đánh giá không đồng đều giữa các trường hoặc điểm học bạ cũng chỉ dựa vào vài ba môn của năm học lớp 12, không phải là quá trình nên độ tin cậy về đánh giá năng lực có thể không cao. Điều này có thể dẫn đến sự bất công trong việc đánh giá năng lực so với các thí sinh khác.

Ngoài ra, do chỉ tiêu bị khống chế, nếu phân chia tỷ lệ tuyển sinh không hợp lý sẽ xuất hiện mất công bằng và bình đẳng so với các phương thức xét tuyển còn lại, cho dù điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cao vẫn có thể bị loại khỏi cuộc đua. Khi chỉ tiêu bị lấp đầy bởi các học sinh xét tuyển sớm, các trường sẽ khó điều chỉnh tỷ lệ tuyển sinh cho các phương thức khác, gây áp lực cho quá trình tuyển sinh sau này.

Việc xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm đánh giá năng lực thì ưu điểm là công bằng hơn vì dựa trên kết quả của các kỳ thi có quy mô quốc gia hoặc khu vực, với cùng một đề thi và điều kiện thi. Điều này giúp giảm thiểu sự chênh lệch trong đánh giá năng lực giữa các học sinh đến từ các trường khác nhau.

Tuy nhiên, cũng có những hạn chế là một kỳ thi duy nhất có thể không phản ánh hết khả năng của học sinh, dẫn đến việc đánh giá không công bằng. Ngoài ra, kỳ thi đánh giá theo năng lực lại gây khó khăn cho những học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện dự thi được.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, để giải quyết được hài hòa các mâu thuẫn trên và đạt được tối đa các mục tiêu tuyển sinh đại học; đồng thời, phải giải quyết mối quan hệ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với quyền tự chủ của các trường cùng vô số các ngành học khác nhau, nhu cầu phát triển khác nhau là một bài toán rất khó.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh: Những vấn đề về tuyển sinh vài năm qua và nhất là năm nay bộc lộ hạn chế về chính sách như thiếu một khung tiêu chuẩn quốc gia chung, không có nghiên cứu, dự báo những rủi ro có thể xuất hiện để có chính sách kịp thời. Trong điều kiện tài chính giáo dục đại học còn hạn hẹp, cạnh tranh tuyển sinh vô cùng gay gắt, trường đại học dùng đủ mọi chiến lược để gom thí sinh đã tạo ra bức tranh không đẹp về tuyển sinh đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định rất rõ ràng mục đích tuyển sinh vào đại học của quốc gia và của mỗi trường theo yêu cầu và điều kiện cụ thể. Từ đó, xây dựng Khung chính sách tuyển sinh linh hoạt nhưng thống nhất, áp dụng trên toàn quốc, đảm bảo rằng các trường có một nền tảng chung để xây dựng quy trình tuyển sinh của mình. Khung này nên bao gồm các nguyên tắc cơ bản về công bằng, bình đẳng và chất lượng, nhưng vẫn cho phép sự linh hoạt để các trường điều chỉnh phù hợp với đặc thù ngành học.

Bộ cũng cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát và kiểm tra quy trình tuyển sinh tại các trường để đảm bảo các trường thực hiện đúng theo khung tiêu chuẩn đã đề ra. Đồng thời, có các kênh tiếp nhận và giải quyết khiếu nại về bất công trong tuyển sinh một cách minh bạch và công bằng. Các trường cũng phải công khai rõ ràng quy trình, tiêu chí và kết quả tuyển sinh, giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ, tin tưởng vào quá trình xét tuyển sinh, giảm thiểu các vấn đề về mập mờ hoặc gian lận.

Toàn cảnh Khu căn hộ Saigon Gateway.
Bài 2: Khu căn hộ Saigon Gateway: Chủ đầu tư chuyển nhượng dự án trái quy định?
(Ngày Nay) -  Trong quyết định của UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Nhà chuyển nhượng dự án cao ốc Hải Âu (hiện nay là Saigon Gateway) cho Công ty CP Bất động sản Hiệp Phú Land có điều khoản bên nhân chuyển nhượng không được chuyển nhượng lại dự án. Nhưng vào năm 2019, Hiệp Phú Land đã ký hợp đồng chuyển nhượng đất cùng một phần dự án cho Công ty CP Bất động sản Đại Nam Land.
Bộ sưu tập tiện ích phong cách hoàng gia tại “nước Anh thu nhỏ” trong lòng Ocean City
Bộ sưu tập tiện ích phong cách hoàng gia tại “nước Anh thu nhỏ” trong lòng Ocean City
(Ngày Nay) - Nối tiếp bộ sưu tập trải nghiệm sống đa dạng phong cách tại tâm điểm thượng lưu Metropolitan (Vinhomes Ocean Park 1, Ocean City), The London sẽ là trạm dừng chân tiếp theo để chủ nhân bước vào một không gian Anh quốc sang trọng và lịch lãm với hệ sinh thái tiện ích độc đáo đậm chất hoàng gia.
Hố đen phun luồng tia xa kỷ lục, dài 23 triệu năm ánh sáng
Hố đen phun luồng tia xa kỷ lục, dài 23 triệu năm ánh sáng
(Ngày Nay) -  Các nhà thiên văn học vừa phát hiện cặp tia phun từ hố đen xa nhất từng được quan sát - với chiều dài 23 triệu năm ánh sáng, tương đương 140 dải Ngân Hà (Milky Way) xếp nối đuôi nhau. Phát hiện này gợi ý rằng những "quái vật" vũ trụ này có thể đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong việc định hình các thiên hà so với hiểu biết trước đây.
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đất đai để phát triển kinh tế - xã hội
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đất đai để phát triển kinh tế - xã hội
(Ngày Nay) -  Chiều tối 19/9, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, khóa XV, về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Cơ hội để Việt Nam dẫn dắt và đóng góp vào các cuộc đối thoại toàn cầu về tương lai thế giới
Cơ hội để Việt Nam dẫn dắt và đóng góp vào các cuộc đối thoại toàn cầu về tương lai thế giới
(Ngày Nay) - Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, từ ngày 21 - 27/9/2024, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ.