Chiều 12/8, gần 1.000 thí sinh dự thi năng khiếu báo chí do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức. Các thí sinh thi năng khiếu để lấy điểm cộng với tổ hợp 2 môn xét tuyển vào 7 chuyên ngành: Báo in, Báo ảnh, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử, Quay phim truyền hình và Báo chí đa phương tiện.
Thí sinh làm thủ tục dự thi môn năng khiếu báo chí vào sáng 12/8. Ảnh: Hoàng Phương.
Bài thi năng khiếu báo chí gồm 2 phần thi trắc nghiệm và tự luận, tổng thời gian làm bài 150 phút. Phần trắc nghiệm (3 điểm) gồm 30 câu hỏi kiểm tra hiểu biết chung về kiến thức xã hội; phần thi tự luận (7 điểm) bao gồm 2 câu hỏi. Câu 1 yêu cầu thực hiện những thay đổi cần thiết để phần văn bản nói về bài hát Tiến quân ca chính xác, rõ ràng, mạch lạc hơn. Câu 2 yêu cầu viết bài luận tối đa 500 chữ thể hiện quan điểm cá nhân về vấn đề một số nhà báo tham gia bàn luận, sử dụng thông tin từ những bình luận ác ý, đả kích, chê bai trên mạng xã hội về nhân vật, sự kiện như một nguồn tin chính thức cho tác phẩm báo chí của mình.
Đánh giá đề thi năng khiếu, Trần Thị Ngọc Mai (TP Nam Định) thi vào chuyên ngành Báo truyền hình cho biết, em và nhiều thí sinh bất ngờ với đề thi trắc nghiệm. Dù chỉ chiếm 3 điểm nhưng 30 câu trắc nghiệm chủ yếu là kiến thức cơ bản về văn học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, không phải là kiến thức về hiểu biết đời sống, xã hội, thời sự như nhiều thí sinh nghĩ. Mai cho hay nhiều bạn dù học khối C nhưng không ôn lại kiến thức cơ bản mà tập trung tìm hiểu các vấn đề thời sự nên khi đọc đề đã bị hụt hẫng.
Nhận xét phần tự luận, Mai cho rằng phần thi nói về quốc ca, mạng xã hội khá gần gũi và mang tính thời sự đối với các em. "Dù đề thi chỉ yêu cầu chỉnh sửa đoạn văn nói về Quốc ca nhưng thực sự thí sinh phải có vốn hiểu biết về lịch sử, khả năng diễn đạt và hơn hết là tình cảm yêu mến bài hát này thì mới có thể làm tốt được", Mai nói.
Điểm 2 môn tổ hợp Văn, Sử của Mai được 18. Mọi năm, với mức điểm này em có khả năng đỗ dù chuyên ngành Báo truyền hình lấy điểm khá cao. Nhưng năm nay thi thêm năng khiếu nên Mai thấy lo lắng.
Học viện Báo chí và truyên truyền tổ chức thi năng khiếu nhằm đánh giá năng lực, phẩm chất sáng tạo của các thí sinh dự thi vào chuyên ngành báo chí. Ảnh: Hoàng Phương.
Lo lắng thi trắc nghiệm sẽ rơi vào hiểu biết xã hội, tin tức thời sự nên trước khi thi Nguyễn Thế Anh (THPT Thăng Long, Hà Nội) khá chăm chỉ đọc báo, xem thời sự. Nhưng khi nhận được đề thi thì cậu bất ngờ bởi hoàn toàn rơi vào kiến thức phổ thông. Thế Anh cho rằng, phần thi trắc nghiệm của Học viện Báo chí và Tuyên truyền khá giống với phần kiến thức xã hội trong đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Với phần trắc nghiệm này, thí sinh học ban C sẽ có lợi thế hơn các bạn ban khác.
Dù hơi thất vọng với phần thi trắc nghiệm, nhưng nam sinh này lại khá hào hứng với phần thi tự luận. Theo cậu, tự luận khiến thí sinh dự thi chuyên ngành báo phải bộc lộ được vốn hiểu biết, quan điểm cũng như khả năng viết. Đây là những yếu tố cơ bản mà người học báo, làm báo cần phải có. Nhìn chung, cậu thấy kỳ thi năng khiếu này dù không dễ nhưng khá thú vị.
Nguyễn Hồng Hạnh (Bắc Giang) thi vào chuyên ngành Báo phát thanh. Tổ hợp hai môn Văn – Sử em được 13,25 điểm nên rất kỳ vọng vào phần thi năng khiếu. "Em thấy phần tự luận phù hợp với thí sinh, nhưng bọn em mong muốn phần trắc nghiệm có nhiều câu hỏi về hiểu biết xã hội, thời sự hơn", Hạnh nói và cho biết, thời gian nghỉ giữa hai phần thi, các thí sinh trao đổi ý kiến và đều cho rằng "đề trắc nghiệm hơi khác so với suy nghĩ".
Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc bài thi. Ảnh: Hoàng Phương.
Sau 13 thi theo hình thức 3 chung không có năng khiếu, năm nay Học viện Báo chí và Tuyên truyền quay lại tổ chức môn thi này để lấy 435 chỉ tiêu cho 7 chuyên ngành báo chí. Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 15/8.
Xem thêm:
- Danh sách hồ sơ xét tuyển của 150 trường Đại học, Học viện (cập nhật hết ngày 12/8)
- Cập nhật danh sách thí sinh ĐKXT NV1 vào Học viện Khoa học Quân sự năm 2015
Theo VNE