Tăng học phí cận ngày nhập học
Theo thông báo của trường Đại học Văn Lang, từ ngày 12/8 – 30/8, thí sinh trúng tuyển sẽ đăng kí xác nhận nhập học và nộp lệ phí 5 triệu đồng. Lệ phí này sẽ được khấu trừ vào tiền học phí khi chính thức nhập học. Nhưng khi thí sinh vừa hoàn tất xác nhận nhập học xong, vào ngày 31/8, trường Đại học Văn Lang đã bất ngờ thông báo tăng học phí, mức tăng mỗi tín chỉ từ 15 – 30%, kèm theo “cam kết”… mỗi năm tiếp tục tăng học phí dưới 8%.
Em Nguyễn Ngọc V.Q. (quê Trà Vinh) cho biết, em trúng tuyển học bạ ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Văn Lang. Trước đó, em theo dõi học phí khóa 25 và các khóa trước đều ở mức 1070.000 đồng/1 tín chỉ, gia đình em đã thống nhất có thể kham được mức chi trả này, nên đồng ý cho em xác nhận nhập học. “Đến giờ, mỗi tín chỉ của em đã tăng thành 1370.000 đồng, là hơn 25%. Ngành của em có 132 tín chỉ, vậy học phí có thể tăng gần 40 triệu so với dự tính. Đã vậy, theo thông báo mỗi năm trường sẽ tăng không quá 8% học phí nữa, thành ra có thể toàn khóa học còn có thể tăng trên 20% chi phí. Con số này quá lớn, chắc gia đình em phải tính cách khác thôi”, V.Q. buồn bã nói.
Thư báo nhập học ngành Ngôn ngữ Anh, có kèm mức học phí đã tăng của trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Ngọc Giàu |
Chị Cao Thanh N., mẹ em Lê Thanh N.N. (quê Nha Trang) vô cùng bức xúc: “Tăng học phí cận ngày nhập học, sau khi đã xác nhận nhập học, còn các trường khác cũng đang kết thúc tuyển sinh, thì khác nào đang ép phụ huynh vào thế đã rồi. Lúc tư vấn tuyển sinh, đội ngũ của trường này lúc nào cũng nói trường sẽ không tăng học phí, tạo sự ổn định cho các cháu ăn học. Để rồi cận ngày cận giờ thông báo tăng học phí”. Được biết, em Lê Thanh N.N., trúng tuyển vào ngành Kiến trúc. Ngành này có 165 tín chỉ, đào tạo trong vòng 5 năm, là một trong số những ngành có tổng học phí đắt đỏ nhất tại trường đại học Văn Lang.
“Tăng học phí gặp phản ứng là việc… bình thường”
Ngày 7/9, Phóng viên Ngày Nay có buổi trao đổi với đại diện trường Đại Học Văn Lang (Cơ sở 3, 80/68 Dương Quảng Hàm, P.5, Gò Vấp) về việc tăng học phí của trường cũng như phản ánh của các sinh viên đang chuẩn bị nhập học khoá K26.
Đại diện trường cho biết, việc tăng học phí của trường ĐH Văn Lang đã có gửi báo cáo lên Bộ Giáo dục & Đào tạo, cơ quan chủ quản không có ý kiến nên coi như việc tăng học phí đã được thông qua.
“Trường Đại học Văn Lang chưa gửi Thông báo nhập học cho bất cứ thí sinh nào. Khi thí sinh có kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, Nhà trường gửi Giấy báo trúng tuyển và Thông báo nhập học chính thức cho thí sinh qua đường bưu điện. Công tác nhập học chính thức cho Khóa 26 sẽ diễn ra từ 07 – 19/9/2020 đối với thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT; riêng đối với thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Nhà trường tổ chức xét tuyển, công bố trúng tuyển và gọi nhập học theo lộ trình hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo", nhà trường cho biết.
Riêng việc có hay không nhà trường đã cam kết khi tuyển sinh sẽ không tăng học phí những cuối cùng lại tăng lên từ 15-30%? Trường khẳng định, không hề cam kết khoá K26 sẽ không tăng học phí, chỉ có thông tin khi tuyển sinh về các khoá trước như K25, K24, K23… cho đến giờ không hề tăng học phí.
Trao đổi về việc phản ứng của nhiều sinh viên trước việc bất ngờ tăng học phí, đại diện trường cho biết, có thể sinh viên và phụ huynh ở xa chưa năm rõ được chi tiết tăng học phí của trường, việc phản ứng là bình thường. Nếu cùng một số tiền đóng học phí mà thí sinh cảm thấy ở một ngôi trường khác có thể học tốt hơn, thì có rút lại số tiền đã đóng cho trường và chọn một trường khác để học.
Mức học phí sau khi tăng của Khóa 26 được trường ĐH Văn Lang công bố. Ảnh: VLU |
Một thí sinh bức xúc, chia sẻ với PV “Trường nói vậy rất lập lờ để thí sinh sập bẫy, đăng ký đóng một phần tiền rồi, yên tâm không màng đến các trường khác, giờ thì quá muộn, các trường khác đủ chỉ tiêu… hết chỗ chạy”.
Trả lời báo chí, ĐH Văn Lang cho rằng mức học phí đối với Khóa 26 của trường tăng so với mức học phí của các khóa trước, nhằm nâng tầm chất lượng đào tạo của trường theo định hướng quốc tế hóa, nâng cao năng lực và giá trị cho người học. Cũng theo người đại diện trường, so với các trường dân lập khác, học phí của trường Văn Lang còn chưa cao bằng.
“Không phải vấn đề mắc hay rẻ, cao hay thấp mà là kiểu hành xử không trọng chữ tín của nhà trường. Ấn tượng về nhà trường ngay ngày đầu tiên đã vậy nên em và gia đình không còn tha thiết học ở đây nữa”. – Em Th.T. (Đồng Nai) vừa trúng tuyển qua hình thức xét học bạ ngành Tâm Lý học chia sẻ sau quyết định rút học bạ.
So với học phí của các khoá trước, năm nay sự chênh lệch về học phí mức tăng từ 15 – 30% trên một tín chỉ, khiến tổng số tiền chi trả cho toàn khóa học tăng lên đến vài chục triệu đồng là rất cao. Điều này mang đến nhiều lo ngại cho các sinh viên có điều kiện không khá giả, bởi mức học phí vượt quá cao so với thu nhập của bố mẹ. Với mức học phí này cộng với các khoản chi phí sinh hoạt, đi lại, các khoản đóng góp khác trong quá trình học thì một sinh viên cần 8 - 10 triệu đồng/tháng. Mức chi phí này quá cao đối với đa số các hộ dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn.
“Trên tinh thần chăm lo cho từng sinh viên, Trường Đại học Văn Lang khuyến khích sinh viên đầu tư học tập nghiêm túc; nếu sinh viên gặp vấn đề khó khăn về tài chính, Văn phòng Khoa hoặc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của Trường sẽ cùng sinh viên tìm giải pháp. Các chính sách hỗ trợ vay vốn học tập, gia hạn học phí, trả chậm… sẽ được xem xét theo từng cá nhân cụ thể.” – Giải pháp về hỗ trợ sinh viên mà trường ĐH Văn Lang đưa ra.