Công ty này phân tích mặc dù xảy ra một số trở ngại trong việc sản xuất ủy thác do khan hiếm chíp bán dẫn, nhưng do có nhiều dòng smartphone 5G ra mắt, giá vận tải và nguyên vật liệu tăng cao nên giá bán bình quân chíp bán dẫn tăng, kéo doanh thu của ngành tăng trưởng trong năm ngoái.
Đặc biệt, hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc đạt doanh thu 73,2 tỷ USD, giành lại vị trí số một thế giới từ hãng Intel (Mỹ) sau 3 năm. Thị phần của điện tử Samsung (xét theo doanh thu) đạt 12,3%, nhỉnh hơn một chút so với Intel là 12,2%.
Trong khi đó, hãng SK Hynix cũng của Hàn Quốc đạt doanh thu 36,4 tỷ USD, chiếm 6,1% thị phần, đứng thứ 3 thế giới. Đứng thứ 4 là hai hãng sản xuất chíp nhớ của Mỹ là Micron (4,8%) và Qualcomm (4,6%).
Năm ngoái, lĩnh vực chíp nhớ, một thế mạnh của hai doanh nghiệp Hàn Quốc, chiếm 27,9% tổng doanh thu thị trường chíp bán dẫn thế giới. Doanh thu chíp nhớ tăng 33,2% so với một năm trước nhờ đơn giá tăng.
Chíp bán dẫn dùng cho ô tô có doanh thu tăng 34,9% so với năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng cao nhất. Lĩnh vực thiết bị vô tuyến viễn thông lắp trên smartphone có doanh thu tăng trưởng 24,6%.
Kết quả điều tra nói trên không bao gồm công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp chuyên sản xuất ủy thác chíp bán dẫn lớn nhất thế giới. Năm ngoái, doanh thu của hãng này đạt 56,8 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Intel và Samsung.