Theo một báo cáo mới được công bố bởi nền tảng mua sắm TMall của Alibaba và công ty tư vấn Bain của Mỹ, cho biết thị trường xa xỉ Trung Quốc sẽ tăng trưởng 48% trong năm nay, đạt khoảng 346 tỷ nhân dân tệ (52,9 tỷ USD) bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.
Báo cáo cho biết, thị phần xa xỉ phẩm của Trung Quốc đại lục đã tăng gấp đôi từ 11% vào năm ngoái lên đến 20% vào năm 2020.
"Trung Quốc đại lục là thị trường xa xỉ lớn duy nhất tăng trưởng vào năm 2020", ông Bruno Lannes, chuyên gia xa xỉ phẩm của Bain, chỉ ra. "Thị trường xa xỉ của Trung Quốc hiện đang lớn hơn bao giờ hết".
Tuy nhiên, đây không phải là tin tốt cho các nhà sản xuất hàng xa xỉ. Sự bùng nổ doanh số bán hàng ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng thường chi lớn cho các mặt hàng xa xỉ khi đi nghỉ ở nước ngoài. Theo Bain và Alibaba, chi tiêu tổng thể của người tiêu dùng Trung Quốc cho các sản phẩm đắt tiền đã giảm khoảng 35%.
Cụ thể, thị phần hàng xa xỉ toàn cầu của Trung Quốc đại lục trong năm nay đã đạt mức cao nhất. Nhưng sự tăng trưởng ở Trung Quốc đại lục không bù đắp được lượng tiêu thụ của Trung Quốc bị mất ở nước ngoài.
Bain và Alibaba dự đoán thị trường xa xỉ toàn cầu sẽ thu hẹp khoảng 23% vào năm 2020, do đại dịch tiếp tục hạn chế việc đi lại và mua sắm ở nhiều nơi.
Một thị trường biến động
Trung Quốc nhanh chóng ngăn chặn các đợt bùng phát COVID-19, cho phép nền kinh tế của nước này tăng trưởng trở lại. Đến tháng 4, người tiêu dùng nước này lại bắt đầu săn lùng túi xách, giày dép và đồ trang sức đắt tiền, mang lại cho các nhà bán lẻ hy vọng phục hồi khi doanh số bán hàng ở các thị trường khác giảm sút.
Việc người dân không được đi nước ngoài đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng ở nội địa Trung Quốc. Một yếu tố khác đằng sau sự bùng nổ này đó là người tiêu dùng Trung Quốc sau nhiều tháng phải sống trong cảnh phong tỏa cuối cùng cũng được ra ngoài và thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa.
Xu hướng này đã giúp tạo ra sự gia tăng doanh số bán hàng trong mùa xuân này cho một số công ty, chẳng hạn như Tiffany và Burberry.
Các ưu đãi của chính phủ cũng đã giúp ích rất nhiều cho thị trường xa xỉ phẩm. Đầu năm nay, chính quyền Trung Quốc đã phân phát phiếu giảm giá để khuyến khích người dân mua sắm.
Đại dịch cũng đã thúc đẩy một số thay đổi dài hạn trong cách chi tiêu của người dân Trung Quốc.
Ngay cả trước khi bùng phát, người tiêu dùng đại lục đã chấp nhận mua sắm đồ xa xỉ trong nước thay vì tới các trung tâm như Hong Kong do tình trạng biểu tình và nhiều nhãn hàng bắt đầu giảm giá thành tại Trung Quốc.
Thói quen mua sắm trực tuyến đã dần len lỏi và ngày càng phổ biến tại Trung Quốc nhờ sự tiện lợi của các nền tảng thương mại điện tử.
Gần 40% người tiêu dùng Trung Quốc có kế hoạch mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong vài năm tới, trong khi 40% khác dự kiến sẽ duy trì hoạt động hiện tại của họ, theo báo cáo của Bain và Alibaba.
"Chúng tôi tin rằng hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đồ xa xỉ Trung Quốc đã vĩnh viễn thay đổi", theo báo cáo.
Trong 5 năm tới, Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới - ngay cả sau khi thế giới "quay trở lại mức trước COVID-19", chuyên gia tư vấn Bain nhận định.