Lalo Lopez, người tự mô tả mình là một nghệ sĩ, DJ và Youtuber, là một trong nhiều người nước ngoài gia nhập đội quân bán hàng online của các công ty Trung Quốc.
Theo ước tính, mua sắm trực tiếp là một ngành công nghiệp trị giá gần 70 tỷ USD ở Trung Quốc, nguồn thu khổng lồ này đã khiến ngày càng nhiều công ty mở rộng quy mô bán hàng ra thị trường quốc tế, do đó họ sẽ cần thuê những người nói ngoại ngữ.
Từng là một hình thức mua sắm ít người biết đến, livestream được dự đoán sẽ thay đổi thói quen của người tiêu dùng toàn cầu, vốn đang e ngại việc ra đường mua sắm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tìm tới việc mua hàng trên mạng để giảm rủi ro mắc bệnh.
Lopez, người sống ở Trung Quốc khoảng 9 năm, cho biết đã được công ty tiếp thị Linkone Interactive tiếp cận sau khi các video của anh trở nên nổi tiếng trên YouTube và Instagram.
“Khi bán hàng, tôi chia sẻ các sản phẩm thông qua góc nhìn, văn hóa và kinh nghiệm cho khách hàng nước ngoài”, Lopez nói. “Đối với tôi, việc này dễ dàng hơn vì nền tảng văn hóa mà chúng tôi chia sẻ.
Hiện mỗi phiên livestream của Lopez thu hút hơn 15.000 lượt xem, giúp anh thu về 1.500 nhân dân tệ (hơn 5 triệu đồng) mỗi đêm.
Các công ty Trung Quốc hiện đang đào tạo những người nói ngoại ngữ hoặc những người có tầm ảnh hưởng tại nước ngoài tham gia các phiên livestream bán hàng cho họ.
Zhang Zhiguo - CEO của Linkone Interactive, cho biết công ty của ông đã đào tạo những người bán hàng nước ngoài trong gần 2 năm, do ngày càng có nhiều nhãn hàng muốn mở rộng thị phần ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
"Chúng tôi hiện có khoảng 50 người có ảnh hưởng - hơn một nửa trong số đó sinh sống tại Trung Quốc, liên tục livestream bán hàng cho người nói tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha", ông Zhang nói.
Livestream đã trở thành một phần mở rộng của mua sắm trực tuyến. Thậm chí, truyền thông Trung Quốc còn nhận định đây là một phương tiện để xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, giúp kết nối trực tiếp nông sản tới người tiêu dùng ở thành thị.
Năm nay, các kênh cá nhân trên nền tảng thương mại điện tử Taobao đã đạt doanh thu hơn 100 triệu nhân dân tệ trong một lễ hội mua sắm vào tháng 6.
Ngành công nghiệp này đã phát triển nhanh chóng sau khi nảy mầm vào năm 2016, khi những gã khổng lồ trực tuyến Taobao và JD.com đều tung ra các nền tảng phát trực tiếp.
Năm nay, bán hàng online có thể đạt doanh thu hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, theo báo cáo của KPMG và AliResearch, một chi nhánh của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.
Con số đó sẽ cao hơn gấp đôi so với con số năm 2019 mà công ty iResearch ước tính là 68 tỷ USD.
"Năm ngoái, có thể chỉ có vài trăm người xem trong mỗi phiên livestream", ông Zhang nói. "Nhưng bây giờ chuyện đạt vài nghìn lượt xem là bình thường”.
Keane Wang, giám đốc kế hoạch của công ty Neusoft Cloud Technology, cho biết họ đang thiết lập một cơ sở phát trực tiếp tại Pháp, nhằm mục đích tuyển dụng 300 đến 500 người dẫn chương trình nước ngoài trong vòng 3 năm tới.
Alice Roche, người tổ chức các chương trình bán hàng online bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cho biết livestream vẫn còn mới mẻ ở các nước như Pháp, nhưng nó đã có chỗ đứng ở các thị trường khác như Nga.
"Phát trực tiếp là một cách tiêu dùng mới trong vài năm tới, nó sẽ là cách chúng ta lựa chọn sản phẩm", Roche nhận định.