T., 22 tuổi, là một người Việt đang lao động xuất khẩu tại Nhật Bản. Cô vừa mới bị sa thải mà không được báo trước khi đang làm việc tại một thị trấn suối nước nóng phía Bắc thủ đô Tokyo.
Sau vài phút đi bộ, T. bắt gặp cái vẫy tay chào của một người phụ nữ lạ mặt. Người đó là Jiho Yoshimizu, hiện đang điều hành Nhóm Hỗ trợ cùng tồn tại Nhật - Việt, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để bảo vệ lợi ích cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
T. được dẫn đến Nisshinkutsu, một ngôi đền Phật giáo được biết đến như "thiên đường" cho lao động nhập cư trẻ tuổi Việt Nam - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế do sự hoành hành của đại dịch COVID-19.
Yoshimizu đang sắp xếp chỗ ở trong ngôi đền cho T., một lao động bị mất việc làm trong đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản. (Ảnh: Reuters) |
Ngôi đền trở nên nổi tiếng trong cộng đồng người Việt sau khi mở cửa đón nhận những lao động Việt Nam bị mất nhà cửa trong trận động đất tại miền Bắc Nhật Bản năm 2011.Bên trong ngôi đền, những lao động trẻ người Việt sẽ được học tiếng Nhật, nấu các món ăn Việt Nam, tìm việc làm mới hoặc đặt các chuyến bay quay trở về quê hương của mình.
Bà Yoshimizu chụp ảnh selfie cùng một lao động Việt trong giờ học tiếng Nhật tại đền Nisshinkutsu. (Ảnh: Reuters) |
"Tôi cảm thấy bị bỏ rơi khi nhận được thông báo sa thải từ công ty," T. xúc động nói ngay sau khi đặt chân đến ngôi đền, "vì vậy tôi rất biết ơn khi biết rằng mình có thể ở lại đây."
"Chúng tôi có thể làm tất cả mọi việc, bao gồm cả việc chăm sóc một người từ lúc họ chào đời cho đến khi họ trở về với cát bụi. Không một ai tại Nhật Bản hiện nay có thể cung cấp loại hình hỗ trợ này," bà Yoshimizu khẳng định.
Một nhóm người lao động Việt Nam đang ăn trưa bên cạnh các thùng chứa thức ăn và khẩu trang, được họ chuẩn bị để gửi đến cho những lao động Việt Nam khác đang gặp khó khăn. (Ảnh: Reuters) |
Chỉ tính riêng trong năm 2019, Yoshimizu đã giúp đỡ khoảng 400 trường hợp. Nhưng kể từ tháng 4 năm nay, số lao động cần hỗ trợ bỗng dưng tăng đột biến. Điện thoại của cô không ngừng reo lên bởi các tin nhắn và cuộc gọi cầu xin sự trợ giúp từ những người môi giới, sử dụng lao động Việt và người lao động Việt Nam trên khắp Nhật Bản.
Bị hấp dẫn bởi mức lương cao và thường xuyên phải chịu gánh nặng nợ nần đến từ mức phí đóng cho các nhà tuyển dụng lao động xuất khẩu, lao động Việt Nam là nhóm lao động phát triển nhanh nhất về mặt số lượng tại Nhật Bản. Trong năm 2019, số lao động Việt Nam tại Nhật Bản ước tính khoảng 410.000 người, tăng 24,5% so với năm 2018.
Nhiều lao động Việt Nam đến Nhật Bản với tư cách là sinh viên hoặc thực tập sinh, khiến họ quá bị phụ thuộc vào những người chủ và dễ dàng bị họ lạm dụng, bóc lột.
Vào tháng trước, Yoshimizu đã phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản để kêu gọi chính phủ tăng cường sự hỗ trợ với các sinh viên Việt Nam chưa có bảo hiểm cho người lao động. "Chính sách hỗ trợ COVID-19 của chính phủ hiện mới chỉ đang tập trung vào người Nhật Bản," bà Yoshimizu tuyên bố.