Thống nhất điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ đập thủy điện

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất phương án điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ chứa thủy điện.

 

Mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng đang ở mức thấp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng đang ở mức thấp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước tình trạng mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng từ đầu mùa cạn đều ở mức thấp, tổng lượng nước tích được của các hồ chỉ đạt khoảng 54%, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về viêc thống nhất phương án điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ chứa.

Theo đó, từ nay đến khi kết thúc các đợt xả nước gia tăng (ngày 24/2/2020 theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với phương án điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ chứa Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà và Tuyên Quang như đề xuất của EVN.

“Đối với thời gian còn lại của mùa cạn, sau khi kết thúc các đợt xả nước gia tăng, tùy thuộc vào diễn biến thời tiết, lưu lượng về hồ, mực nước các hồ chứa  Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Bản Chát, dòng chảy trên các sông, các yêu cầu về cấp nước cho hạ du và bảo đảm an ninh năng lượng - việc điều chỉnh chế độ xả của các hồ sẽ được xem xét, điều chỉnh sau,” công văn nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị EVN tiếp tục thực hiện các yêu cầu khác có liên quan. Đó là chỉ đạo các chủ hồ chứa, đặc biệt là hồ Hòa Bình phải phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà, bảo đảm việc lấy nước của Nhà máy nước sông Đà phù hợp với lịch vận hành xả nước của hồ Hòa Bình và lấy đủ lượng nước từ sông Đà để bảo đảm cấp nước an toàn cho nhân dân.

Trong quá trình vận hành nếu có vấn đề phát sinh, đề nghị EVN phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời xử lý.

Trước đó, ngày 6/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Văn bản số 5798/BTNMT-TNN gửi liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, và EVN về việc vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Nội dung văn bản nêu rõ trước tình trạng mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng đều ở mức thấp, nguy cơ có thể xảy ra tình trạng thiếu nước cấp cho hạ du, ngày 20/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn đã đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa sử dụng nước tiết kiệm.

Thực hiện theo yêu cầu trên, các hồ chứa đã chủ động vận hành, ưu tiên việc tích nước ngay từ đầu mùa cạn, nhưng đến nay, mực nước các hồ chứa vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 4,1m đến 25m, tổng lượng nước tích được của các hồ cũng chỉ đạt 62% so với dung tích hữu ích.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, với tình trạng thiếu hụt nguồn nước như nêu trên, dự báo trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, lượng dòng chảy trên các sông trên lưu vực sông Hồng sẽ thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là các tháng cuối năm 2019.

Trước diễn biến nêu trên, ngày 30/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam, các chủ hồ chứa và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, đơn vị đã trao đổi và thống nhất việc cần thiết phải điều chỉnh vận hành các hồ chứa để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước, bảo đảm cân đối, đủ nguồn nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng trong thời gian còn lại của mùa cạn./.

Trước đó ngày 10/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản số 6726 /EVN-KTSX kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang vận hành đáp ứng các ràng buộc kỹ thuật của lưới điện miền Bắc, lưu lượng xả xuống hạ lưu nhỏ hơn qui trình, trong đó hồ Hòa Bình vận hành đảm bảo lưu lượng xả xuống hạ du trung bình ngày không nhỏ hơn 400 m3/s.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giảm ngày số ngày xả lấy nước đợt 2; trong đợt 3 duy trì mực nước tại Hà Nội như điều kiện vận hành bình thường theo quy định của Quy trình là 1,2m; công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước, chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán, chủ động lấy nước đảm bảo gieo cấy vụ Đông Xuân 2019-2020.

Bộ Công Thương sớm báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tiết kiệm điện trong tình huống đặc biệt trong mùa khô 2019-2020.

Theo TTXVN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.