Thư Berlin: Với niềm tin mạnh mẽ, chúng tôi vẫn bình an

(Ngày Nay) - Từ Berlin, Việt Trần - một Việt kiều nhiều năm sinh sống tại Đức và gót chân đã đi mòn khắp Châu Âu - viết thư cho Ngày Nay. Với thái độ bình thản pha chút hóm hỉnh, trộn trong một văn phong hàm súc đặc trưng của người Đức, anh Việt kể lại diễn biến dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên với cộng đồng Việt Nam trên nước Đức. 
Thư Berlin: Với niềm tin mạnh mẽ, chúng tôi vẫn bình an

Năm 2009, khi tôi đang sống ở Canada, tôi có về Việt Nam tham gia một chuyến sáng tác cho triển lãm ảnh đa quốc gia, nhiều thành viên trong đoàn bị dính virus H1N1 dương tính nhập viện cấp cứu nằm thở máy trong khi trước đó hàng ngày tôi vẫn ăn cơm cùng mâm, ngồi cùng bàn, nói chuyện cùng nhau, bắt chân bắt tay suốt.

Khi tổ chức Y tế thế giới tuyên bố cảnh báo dịch Cúm A (H1N1) ở cấp độ 6, cấp độ cao nhất và là đại dịch trên quy mô toàn cầu, đã lan rộng ra trên 160 quốc gia thuộc cả năm châu lục, chính tôi đã chủ động đi xét nghiệm ở Bệnh viện Nhiệt đới mặc dù thời đó chưa có chuyện truy kích các F1, F2 như bây giờ. Các bác sỹ ở trung tâm phòng dịch hoạt động rất khẩn trương, tôi chỉ phải xếp hàng một buổi sáng là đến lượt vào xét nghiệm. Trong thời gian chờ đợi kết quả, cho dù bệnh viện bảo cứ đi về nhà như bình thường nhưng tự tôi nhốt mình lại cách ly để bảo vệ gia đình và bạn bè. Thật may, đã không có chuyện gì tồi tệ xảy ra với tôi và gia đình.

Mười năm sau, Tết 2019, bây giờ tôi sống ở Đức và về Việt Nam ăn Tết. Dịch bệnh Vũ Hán bùng phát, một đô thị cực lớn nằm ngay sát Việt Nam, cả đất nước bàn tán xôn xao, đi đâu cũng thấy nói chuyện Vũ Hán.

Trên chuyến bay trở lại Đức chỉ có gia đình tôi nguyên một khoang máy bay. Tôi chú ý điều hòa không bật, nhiệt độ nóng hơn bình thường. Sân bay Doha nằm ở Trung Đông, xung quanh toàn sa mạc, điều hòa sân bay bật quanh năm, nhưng hôm tôi bay về nhiệt độ bên trong sân bay rất ấm. Đó là những biểu hiện đầu tiên cảnh báo dịch bệnh đã tác động đến thế giới.

Thư Berlin: Với niềm tin mạnh mẽ, chúng tôi vẫn bình an ảnh 1

Nhiệt độ máy bay được chỉnh cao lên như là 1 cách để kiềm chế hoạt động của virus corona
(ảnh minh họa)

Nhưng khi tôi về đến Đức, mọi việc ở đây bình thường. Có vẻ Vũ Hán quá xa với họ. Câu chuyện hồi đầu tháng 2 vẫn là những trận bóng đá châu Âu, những buổi hòa nhạc. Cộng đồng người Việt ở Đức cũng vậy, mọi việc vẫn bình thường (mặc dù ở Đức, người Việt Nam là cộng đồng người Á lớn nhất, hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ). Berlin không có China town nhưng có đến 2 khu Little Hanoi, khu Đồng Xuân và khu Thái Bình Dương.

Nhiều người Việt ở Đức về Việt Nam ăn Tết chắc đã có khái niệm về dịch Vũ Hán và khi quay trở lại Đức. Có thể nói họ có thông tin trước người Đức nhưng có lẽ do sống ở Đức và phần nào ảnh hưởng văn hóa, lối sống, cách làm và suy nghĩ của người Đức. Tôi thấy họ vẫn bình chân như vại. Họ có mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm nhiều hơn, cũng đi mua khẩu trang nhưng không bao giờ thấy đeo. Có lẽ sống đâu theo đó, họ không muốn trở thành lạc loài trong xã hội. Tâm lý người Đức, có bệnh mới cần phải đeo khẩu trang.

Nước Đức là một cường quốc từ trong lịch sử, đã từng cầm trịch Đế quốc La Mã Thần thánh, phát triển nhất châu Âu, là quốc gia gây ra cả hai cuộc đại chiến thế giới, và cũng thất bại nặng nề trong cả 2 cuộc. Cũng như cả Châu Âu, nước Đức trải qua cả dịch cúm Tây Ban Nha 1918 lẫn nạn đói năm 1919 (chỉ riêng con số người chết đói lên đến gần 800 nghìn). Người Đức biết cách vượt qua gian khó. Một dân tộc kỷ cương, tài năng và có nhiều đức tính ưu việt. 

Khi dịch bệnh bùng phát ở Ý hay bất kỳ một quốc gia nào khác trong EU hoặc khối Schengen, khả năng lan ra khắp khu vực tự do đi lại Schengen là rất lớn, có thể ví việc đi lại giữa Ý với Đức chẳng khác gì từ một tỉnh nọ sang tỉnh kia ở Việt Nam. Nếu không có những quyết sách đúng đắn, sau khi Ý phong tỏa sẽ đến lượt các nước khác trong khối Schengen mà thôi.

Thư Berlin: Với niềm tin mạnh mẽ, chúng tôi vẫn bình an ảnh 2

Tiếp giáp với 1 loạt quốc gia Châu Âu, nước Đức có vị thế địa chính trị quan trọng

Mấy hôm trước, Giáo sư Christian Drosten, Trưởng khoa vi-rút bệnh viện Charite ở thủ đô Berlin dự báo về lâu về dài có thể 56 triệu người Đức sẽ bị nhiễm vi-rút và có thể 278.000 người sẽ mất mạng.

Ngày 11/3, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói rằng đóng cửa biên giới Đức để ngăn chặn virus corona lây lan sẽ không hiệu quả. Nước Đức chọn giải pháp đối đầu với thực tế, chỉ có thể làm chậm sự lây lan của virus. Mặc dù Đức có số giường bệnh và bác sỹ trên đầu người vào loại cao nhất Châu Âu, nhưng hệ thống y tế vẫn sẽ quá tải nếu virus corona lây lan quá nhanh.

“Virus này có ở Đức, nó có ở Châu Âu. Chúng ta cần phải quen với cách nghĩ như thế. Nó sẽ vẫn lây lan ngay cả khi chúng ta đóng cửa tất cả đường biên giới. Sớm hay muộn chúng ta sẽ phải để cho mọi người vào ra và sau đó virus lại bắt đầu lây lan trở lại” ông Spahn cho biết.

Thủ tướng Đức cũng lên truyền hình phát biểu tương tự xác định sẽ có 2/3 dân số nhiễm bệnh.

Trong một cuộc điều tra của hãng nghiên cứu thị trường IPSOS mới đây tại 10 quốc gia: Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Mỹ, Canada, Úc, Nhật và Việt Nam về dịch COVID-19 người Đức tỏ ra bình tĩnh nhất và rất tin tưởng vào chính phủ.

Thư Berlin: Với niềm tin mạnh mẽ, chúng tôi vẫn bình an ảnh 3

Ngày 11/3, thủ tướng Angela Merkel phát biểu trong 1 cuộc họp báo rằng 70% dân số Đức có thể nhiễm virus corona. Nhận định này của bà sau đó gây xôn xao giới truyền thông.

Mấy hôm trước, gia đình tôi có lịch xem buổi hòa nhạc. Chúng tôi có cuộc biểu quyết nho nhỏ là nên đi hay không đi. Các con tôi đều bảo đi. Nếu cha mẹ không đi thì con vẫn cứ đi và cha mẹ cho các bạn con vé để đi cùng. Tôi cẩn thận tham khảo thêm ý kiến mấy người bạn bác sĩ về cách phòng chống, bảo vệ bản thân để đi cùng các con. Đến nơi, cả khán phòng kín mít. Mọi người vui vẻ đứng nói chuyện uống sâm-banh trước buổi hoà nhạc. Không một ai có vẻ lo lắng, không ai nhắc đến "cô Vi". Như các buổi hòa nhạc khác, lúc nhạc trưởng đang chỉ huy, cả dàn nhạc đang biểu diễn, cả khán phòng yên ắng. Lúc chuyển giao giữa các chương, mới có tiếng húng hắng ho, trong tất cả các buổi hòa nhạc khác là bình thường lúc chuyển giao là cả khán phòng ho râm ran nhưng đêm hôm đó tiếng ho có vẻ nhẹ hơn và đâu đó có những người cười vui vẻ. (*)

Đến hôm nay, khi WHO đã công bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Con tôi vẫn đi học. Tôi hỏi con. Con bảo nhà trường chưa thông báo nghỉ. Con tôi thích đánh trống, sau giờ học ở trường có đi học thêm ngoại khóa. Thầy giáo dạy trống là người Ý. Tôi đưa thông tin về nước Ý đã phong tỏa và bài báo của bác sĩ Ý ở tâm dịch. Con tôi hỏi lại ý tôi là gì và vẫn đi tập như bình thường. Trên group của hội chuyên gia nước ngoài sinh sống ở Đức (Expat), có người còn nói không hiểu nổi khi cô giáo trông trẻ đi xét nghiệm dương tính với vi-rút Corona nhưng nhà trường chỉ dán thông báo mọi việc vẫn bình thường, có gì sẽ thông báo sau. Có một bạn người Việt dính Covid-19 nhưng bác sỹ cho về nhà và bảo tự cách ly.

Có những thứ ở đây rất khác biệt.

Ở Việt Nam, phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy, bên này là tầu điện ngầm, giờ cao điểm rất đông đúc. Nhà Việt Nam thoáng đãng. Nhà ở châu Âu do khí hậu lạnh nên thường đóng kín, giờ cao điểm nhiều người sẽ đi chung thang máy. Đôi lúc cả chục người trong chỉ mấy mét vuông. Tuy nhiên, dường như họ không để ý, có vẻ rất chủ quan trong khi ở Việt Nam người dân rất quan tâm.

Radio Đức có nhắc về dịch Covid-19 với vi-rút Corona hàng ngày, các bảng tin điện tử lắp đặt ở khắp hệ thống metro cũng cập nhật tin tức liên tục. Tôi không biết có phải do người Đức chủ quan hay họ có tinh thần thép, bình tĩnh đối phó với khó khăn. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Họ lắng nghe, họ theo dõi nhưng vẫn đi làm và sinh hoạt bình thản.

Cách nhìn nhận vấn đề và chữa bệnh của Đức cũng khá khác với Việt Nam.

Ở Việt Nam, tôi có thể đi khám bác sỹ ngay, trong dịch cúm H1N1 tôi có thể đến thẳng bệnh viện nhiệt đới xin thử, còn ở Đức một người bị cúm muốn đi khám sẽ phải xin lịch hẹn (termin), lịch hẹn khám các loại bệnh khác có khi phải đợi đến vài tháng, nhiều khi đến ngày hẹn thì bệnh tự khỏi, khác hẳn với ở Việt Nam thích là khám ngay.

Các bệnh cảm cúm thường bác sỹ khuyến khích bệnh nhân nghỉ ngơi, uống nước chứ không dùng kháng sinh. Nhiều người Việt than vãn ốm bên này khéo mất cả tuần mới khỏi trong khi ở Việt Nam uống vài viên kháng sinh liều cao là đỡ ngay. Ngoại trừ, các bệnh hiểm nghèo, các ca cấp cứu mới đến bệnh viện.

Tuy nhiên về y tế công nghệ cao nước Đức có thể nói là một trong những nước hàng đầu thế giới. Có một nghệ sĩ đàn vĩ cầm (violon) của dàn nhạc giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh sang thăm chị gái ở Đức, không may bị anh rể thủ ác, đã dùng búa đập vào đầu của cả hai chị em. Cô chị chết, cô em sống thực vật, tim đập nhưng toàn thân bất toại, nửa đầu nát bét. Các bác sỹ Đức đã cứu chữa cả năm trời, mổ não, cấy ghép nhiều lần, bây giờ chuyển sang giai đoạn phục hồi chức năng tập điều khiển chân tay, tập giao tiếp, v…v. Chị chỉ là khách du lịch, sử dụng visa du lịch, không bảo hiểm y tế, không phải là công dân Đức nhưng chị vẫn được chữa trị chu đáo. Nhiều lần tôi đến thăm chị, tôi phải đứng chờ ở bên ngoài vì những người hộ lý đang tắm rửa cho chị trong phòng. Hình ảnh những cô gái hộ lý Đức trẻ trung xinh đẹp chỉ ngoài hai mươi, cẩn thận, tỉ mỉ, chăm sóc cho một người không quen biết, nằm thực vật một cách ân cần như chị em gái của mình không có bất cứ một đồng tiền lót tay hay lời cảm ơn nào thực sự làm tôi xúc động.

Có một chị người Việt, tên Duyên, sống ở gần bệnh viện tình cờ biết chuyện đã tình nguyện đến chăm sóc, nói chuyện, an ủi trong suốt mấy năm qua. Khi tôi nói chuyện với Duyên, một người Hải Dương, giọng rất thật thà, chất phác “Em chỉ đơn giản không muốn chị ý cô đơn nằm một mình trong bệnh viện. Em muốn chị ý biết có những người Việt khác vẫn quan tâm đến chị“. Trong mắt tôi, Duyên là một thiên thần.

Thư Berlin: Với niềm tin mạnh mẽ, chúng tôi vẫn bình an ảnh 4

Chợ Đồng Xuân của người Việt tại Berlin 

Tôi trò chuyện với Hương, chủ một nhà hàng Việt, ở ngay cạnh Bệnh viện Đại học Virchow Klinikum và Viện vệ sinh dịch tễ Robert Koch Institut nổi tiếng không chỉ của Đức mà cả châu Âu, nơi sáng nào phóng viên cũng bu kín chờ phát ngôn viên đưa ra thông cáo báo chí. 

- Em có lo lắng không?
- Nhân viên của viện Koch vẫn ra nhà em ăn hàng ngày và luôn cười bảo đừng lo lắng nhé. Chúng tôi vẫn ra ăn hàng ngày và đấy là dấu hiệu tốt - Hương cười - Khách hàng của em toàn y bác sỹ đang cứu người và họ là khách hàng thân quen của em nhiều năm em nỡ lòng nào đóng cửa hàng trốn tránh?

Khi một người bạn thường hay phải ngao du của tôi nói rằng không mua được khẩu trang thì một người bạn khác Mina Lê, giám đốc trường dạy nghề thẩm mỹ đã gửi tặng ngay mặc dù bên này mua cũng không dễ. Với những tấm lòng tuyệt vời và một không khí bình thản đối phó với bệnh dịch đang ngấp nghé đầu ngõ, tôi tin rằng người Đức sẽ vượt qua như họ đã vốn làm trong lịch sử.

Mỗi quốc gia một thể chế và có cách tiếp cận vấn đề của riêng mình dựa trên điều kiện, thổ nhưỡng, văn hóa và kinh nghiệm lịch sử của họ, sống đâu quen đấy. Thôi thì tôi lại trở lại với sinh hoạt hàng ngày, đi làm về lôi xe ra đạp hoặc chạy bộ vòng quanh thủ đô Berlin, thay vì lúc trước ngắm cảnh bây giờ nghiêng ngó tình hình.

Trong lịch sử đã xảy ra nhiều đại dịch và sau mỗi đại dịch loài người vẫn tồn tại và vươn lên. Cầu chúc mọi người khỏe mạnh, nhà nhà hạnh phúc và thế giới bình an!

-------
(*) Chế độ liên bang của Đức trở thành tâm điểm truyền thông giữa lúc dịch COVID-19 hoành hành khắp châu Âu. Theo đó, quyền lực được phân chia cho chính quyền 16 bang. Họ phải tự ra quyết định liệu rằng có nên làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế là hủy sự kiện lớn với hơn 1.000 người tham gia hay không. 

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài
(Ngày Nay) - Sáng 18/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba, tặng Trường đại học Kinh tế. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo. Tạp chí Ngày Nay trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.
Tổng Bí thư Tô Lâm với cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau
(Ngày Nay) - Tiếp theo chương trình công tác tại Cà Mau, chiều 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
(Ngày Nay) - Nghe Pháp là từ thường gặp trong kinh. Đa văn là nghe Pháp nhiều, một trong những hạnh lành. Ngày nay, nghe Pháp không chỉ nghe giảng mà còn là đọc, tụng, nghiên cứu, thảo luận, biên khảo giáo pháp.
Toàn cảnh Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Gìn giữ văn hóa bản địa qua trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình
(Ngày Nay) - Tối 17/11, tại Quảng trường Hòa Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Chương trình Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15-23/11/2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Tổ dân phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Đoàn kết xây dựng khu dân cư tự quản, văn minh, hạnh phúc
(Ngày Nay) - Tối 17/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng Đoàn công tác Trung ương đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại Tổ dân phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, tỉnh Ninh Bình và đông đảo cán bộ, nhân dân Tổ dân phố 4, phường Đông Thành.
Mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Tỉnh Hưng Yên đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển, mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với nhiều hoạt động hỗ trợ và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nhằm mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân.
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
(Ngày Nay) - Ngày 16/11, trong cuộc thảo luận về tuyên bố chung trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà ngoại giao của nhóm đã gặp khó khăn trong việc thu hẹp bất đồng về nguồn tài chính để giải quyết biến đổi khí hậu và vấn đề đánh thuế nhóm siêu giàu.