12 năm thuê nhà
Không có nỗi đau nào bằng khi có một đứa con khuyết tật. Cha mẹ nào cũng phải cùng con nỗ lực hết sức mình để giúp con hòa nhập với cộng đồng theo một cách đúng nghĩa nhất. Giúp con hòa nhập với cộng đồng luôn là nỗi day dứt đau đáu của cha mẹ khi có con mắc hội chứng tự kỉ.
Mẹ chẳng bao giờ quên những tháng ngày mà ba mẹ đều phải vất vả vì con, thay nhau chở con đi “gõ cửa” các cơ sở khám chữa bênh để kiểm tra tình trạng sức khỏe cho con.
Ngày biết tin con bị tự kỉ khi vừa tròn 2 tuổi, mẹ đã thực sự suy sụp. Ba mẹ buồn như đưa đám, nhưng nhất quyết không bỏ bê con, bỏ rơi con. Để lo cho con, ba mẹ chấp nhận đi thuê nhà suốt mười mấy năm ròng để dồn tiền, dồn mọi quan tâm đưa con đi tập ở các trung tâm vật lý trị liệu, tập ngôn ngữ...
Khi con đã ổn định hành vi, mẹ xin cho con đi học ở trường mẫu giáo thường. mẹ nuôi hi vọng, có các bạn đồng trang lứa, con sẽ được chơi, con sẽ được hòa nhập nhanh chóng. Nhưng, là một đứa trẻ tăng động, con cứ chạy lung tung, ngẫu hứng trong lớp học khiến các cô khó chịu. Đến một ngày, các cô không chịu nổi sự “nổi loạn’ khác biệt của con, trường kêu phụ huynh đến đưa con về, “trường phũ phàng trả con về gia đình và không nhận dạy.
Con chuyển trường, con lại tiếp tục đi học. Con bị các bạn cắn bầm tím hết cả người . Mẹ xót con, mẹ không chịu được cảnh ngày nào về cũng thấy tay con bầm tím. Mẹ kêu với cô giáo thì cô nói gọn lỏn, không thấy bé khóc hay kêu ca gì hết nên không biết.
Lại phải chuyển trường cho con…
Hành trình hòa nhập của con thỉnh thoảng lại bị xáo trộn, thay trường đổi lớp. Để chăm sóc con, đưa con đi chữa trị kịp thời, bố quyết định nghỉ việc, chở con đi khắp các trung tâm vật lý trị liệu. Là phụ nữ, nhưng mẹ là trụ cột gia đình, là lao động chính trong nhà, để bố ở nhà kèm cặp con. Đã có lúc mẹ muốn dành nhiều thời gian hơn nữa bên con, nhưng cơm áo gạo tiền đè nặng, mẹ phải đi làm kiếm tiền, mẹ thấy thương con vô hạn.
Bố nghỉ việc, theo sát những ngày con tập viết, tập đọc và dần hòa nhập với xã hội |
Tuổi thơ của con trôi nhanh như gió. Hết tuổi mẫu giáo, con đủ tuổi đến trường tiểu học. Nhưng con của mẹ dù đã 7 tuổi vẫn mang trí não của một em bé 2-3 tuổi, hồn nhiên, chạy nhảy lung tung, không chịu ngồi yên một chỗ.
Con lại chuyển trường…
Hành trình rèn luyện, học tập của con cứ đứt quãng, xáo trộn, tiền học phí ngốn của ba mẹ không ít tiền, nhưng cả ba mẹ không bận tâm ở nhà thuê suốt chừng ấy năm. Điều duy nhất ba mẹ quan tâm là sự tiến bộ của con trai.
Thầy cô mở lòng, tương lai con sẽ mở cửa
Những ngày đi học trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Đà Nẵng là những ngày vất vả khôn cùng của con và ba mẹ. Ba dạy con đủ thứ, rảnh là dạy, từ tập nói, tập hành vi, đến tập các công việc đơn giản…
Thời gian con học ở trường chuyên biệt, ở đây con đã được các thầy cô yêu thương và đã dạy con bỏ tất cả những hành vi bổ sung những điểm thiếu sót của con . 2 năm ngồi lớp 1, một năm học lớp 2, cuối cùng con cũng được thầy cô công nhận đủ điều kiện ra ngoài hòa nhập. Mọi nỗ lực của ba mẹ đã có chút “quả ngọt”.Đến ngôi trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm Đà Nẵng con bắt đầu học lớp 3. Thật may mắn được sự hỗ trợ từ nhà trường và thầy cô, có các bạn hòa đồng , con mẹ dần ổn định và học khá tốt. Thật biết ơn thầy cô trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu thời gian đầu học kì một học hòa nhập sợ con trai mẹ chưa quen nên có cử một cô giáo đến hỗ trợ con. Cứ thứ 5 hàng tuần, cô đến hỗ trợ thêm cho con quen dần với môi trường mới . Mẹ luôn biết ơn cô giáo chủ nhiệm và tập thể các bạn lớp 3/2 trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã luôn giúp đỡ , quan tâm con mọi lúc mọi nơi con đường hòa nhập đã đến với con trai mẹ .
Học được một năm thì con phải chuyển trường vì lí do khác tuyến. Ba mẹ lại mất ngủ, lại dõi theo con sát sao trên từng bước đường, mọi sự thay đổi, xáo trộn của con đều như bắt đầu lại từ đầu, rất vất vả.
Về trường tiểu học An Khê quận Thanh Khê, Đà Nẵng, sự tiến bộ của con bỗng chững lại mẹ thấy quá nhiều bất lợi cho con. Ở trường mới con không được thầy cô và các bạn quan tâm nhiều, mẹ nhiều đêm mất ngủ vì quá trình hòa nhập của con thật gian nan. Không phải ở đâu mọi người cũng có những suy nghĩ tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho những đứa trẻ tự kỉ như con có cơ hội hòa nhập. Ba mẹ không giám trách móc ai có lẽ là do trường mới thầy cô ở đây họ chưa bao giờ tiếp xúc cũng như gặp nhiều những học sinh như con ,nhiều lúc thương con chỉ muốn khóc, nước mắt chảy vào trong…
Năm nay con 12 tuổi, học lớp 5, vì không muốn gay ra bất cứ xáo trộn nào cho con khi chuyển trường, ba mẹ quyết định để con học nốt những ngày cuối cấp ở môi trường khó khăn này. Mong sao đây là năm thứ 2 con học ở đây thầy cô và các bạn đã một phần nào hiểu và biết về con trai mẹ và mọi người sẽ giúp con trai mẹ tiến bộ giúp con hòa nhập với các bạn . Cố lên con yêu năm nay là năm cuối cấp của con rồi , con của mẹ đã vượt qua được giai đoạn đầu của thử thách đầu tiên con đường hòa nhập rồi . Ráng học hết năm nay rồi tính tiếp, con trai!
Giờ con trai đã 12 tuổi, biết chơi nhạc, học Toán, tiếng Anh và vi tính khá giỏi... |
Ba mẹ vẫn sẽ ở nhà thuê, vẫn luôn dành hết yêu thương và quan tâm cho con. Giờ ba đã đi làm, mẹ cũng “cày” thật nhiều để trang trải tiền sinh hoạt gia đình. Mẹ thuê một giáo viên về dạy kèm riêng con tại nhà sau mỗi giờ học, cho con học thêm một lớp năng khiếu để con tập trung hơn. Ba mẹ mừng vì sau bao khó khăn, bao lần chuyển trường, con học Toán, Tiếng Anh, vi tính khá giỏi, môn Văn con kém chút thôi vì con nói chưa rõ, giao tiếp còn hạn chế. Con biết nấu mì tôm, chiên trứng, biết tự tắm gội sạch sẽ ngồi vào bàn đợi cô giáo đến dạy thêm... Mẹ tin, con sẽ tiến bộ hơn nữa, gắng chút nữa là đến đích, cả nhà ta sẽ không lùi bước! Cố lên con yêu !!!
Mẹ Nguyễn Thị Thanh Hương
(Quận Thanh Khê, Đà Nẵng)