Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại tỉnh Thái Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc tại tỉnh Thái Nguyên và có nhiều chỉ đạo cụ thể tại đây. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại tỉnh Thái Nguyên

Trong chuyến thăm, Thủ tướng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, An toàn khu Định Hóa, nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; thăm Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; động viên giáo viên và học sinh Trường mầm non Bình Yên và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Định Hóa.

Đặc biệt, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Định Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc trực tuyến với gần 190 điểm cầu, tại UBND tỉnh Thái Nguyên; 9 huyện, thị, thành phố và 178 xã, phường, thị trấn của tỉnh.

Sau khi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, An toàn khu Định Hóa - nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã làm việc, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1946-1954, trong sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tưởng nhớ và lòng biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới và tri ân các bậc tiền bối của Đảng. Nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tập trung trí tuệ và nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để chống dịch thành công và phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững...

Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm dây chuyền lắp ráp bản mạch điện thoại của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT). Tại đây, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trở lại thăm nhà máy, nhận thấy nhiều thay đổi cả quy mô và chất lượng hoạt động.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, hiện nay Samsung có 6 nhà máy tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư hiện tại đã đạt 17,7 tỷ USD; có 38 nghìn lao động; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 56,5 tỷ USD. Khi làn sóng COVID-19 thứ tư xảy ra, Samsung Việt Nam gặp khó khăn vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh đầu năm.

Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cho nên sản xuất đã ổn định trở lại. Các nhà máy ở phía Nam đang khó khăn, tỷ lệ lao động đi làm ở các nhà máy của Samsung tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 40% vì dịch bệnh vẫn phức tạp. Tuy vậy, 7 tháng năm 2021, Samsung Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 10%, nếu Thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát được dịch bệnh thì Samsung Việt Nam sẽ đạt mục tiêu sản xuất cả năm nay.

Nhân dịp này, lãnh đạo Samsung Việt Nam bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam trong việc hỗ trợ Samsung Việt Nam thời gian qua, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19 để Samsung có thể phát triển, ổn định và mở rộng sản xuất.

Hiện nay, Samsung đang đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội, dự kiến khi đi vào hoạt động vào cuối năm sau sẽ thu hút 3.000 kỹ sư làm việc. Samsung kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, công nhân Công ty Samsung Việt Nam để công nhân đảm bảo sức khỏe, duy trì, chống gián đoạn sản xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, khi Bắc Ninh, Bắc Giang bị dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy 40% chuỗi cung ứng, Sámung đã tích cực cùng Chính phủ, địa phương quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường như mục tiêu đề ra.

Thủ tướng vui mừng vì Samsung luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp của Việt Nam; hoan nghênh Samsung có chiến lược tiếp tục đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Chính phủ rất trân trọng điều này, sẽ cùng với Samsung thực hiện chiến lược này thành công; mong Samsung vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa quan tâm, chăm lo phúc lợi cho người lao động, theo phương châm "lợi ích thì hài hoà, hợp lý, rủi ro thì chia sẻ".

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Samsung tuân thủ Thông điệp 5K; Thông điệp 5T mới của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ, hài hoà, hiệu quả với các cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, công nhân để cùng phòng, chống dịch.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thực hiện chiến lược vaccine, trong đó cùng với nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước, là việc đẩy mạnh tiêm chủng miễn phí cho toàn dân, trong đó có người lao động của Samsung; mong Samsung góp phần thúc đẩy, hợp tác về nhập khẩu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19.

Thủ tướng đề nghị Sámung với uy tín và ảnh hưởng của mình, có tiếng nói tác động Chính phủ Hàn Quốc, các đối tác để Việt Nam tiếp nhận, mua, nhượng lại, vay vaccine.

Thủ tướng mong muốn Samsung gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và gia tăng giá trị xuất khẩu trong các sản phẩm của Samsung sản xuất tại Việt Nam thời gian tới; đề nghị Samsung tăng cường chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý cho phía Việt Nam; xem xét tạo điều kiện để có người Việt Nam nằm trong số lãnh đạo cấp cao của Samsung tại các nhà máy ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn của mọi doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và Samsung nói riêng; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền các cấp, để Samsung cũng như các doanh nghiệp khác thành công lớn hơn nữa tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên giáo viên và học sinh Trường mầm non Bình Yên và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Định Hóa. Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị năm học mới của thầy và trò nhà trường, đồng thời đề nghị các trường học, ngành giáo dục Thái Nguyên nói chung phát huy truyền thống cách mạng, hiếu học, chuẩn bị các điều kiện tốt hơn nữa, đặc biệt là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để năm học mới 2021-2022 an toàn, hiệu quả, chất lượng, mỗi ngày đến trường của các cháu học sinh thực sự là một ngày vui.

Đặc biệt, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Định Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc trực tuyến với gần 190 điểm cầu, tại UBND tỉnh Thái Nguyên; 9 huyện, thị, thành phố và 178 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Cùng dự buổi làm việc cùng Thủ tướng với tỉnh Thái Nguyên có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn đạt 4,24%; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63; đặc biệt chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 03/63 (tăng 36 bậc); công tác quốc phòng quân sự địa phương, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, kinh tế - xã hội trên địa bàn duy trì ổn định và đạt được một số kết quả chủ yếu: GRDP 6 tháng đầu năm đạt 6,5%; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,49%; Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 18,66 tỷ USD (trong nhóm 5 tỉnh cao nhất cả nước) tăng 5,77%; Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 10.206,4 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ, bằng 65,4% dự toán năm.

Đáng lưu ý, Thái Nguyên đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên; xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên với hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Đến nay, 100% các Hội nghị được tổ chức với hình thức phòng họp không giấy tờ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri và trong xem xét, quyết định chủ trương đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Về phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, Thái Nguyên là 01 trong 10 tỉnh trong cả nước đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trên địa bàn. Mặc dù vậy, tỉnh vẫn thực hiện nghiêm các chỉ đạo, chủ trương, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cũng như của Bộ Y tế. Trong đó, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện hỗ trợ kịp thời người bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19...

Về công tác chuẩn bị cho năm học mới, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học.

Đến nay, 100% các trường trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và các điều kiện cần thiết khác cho năm học mới. Ngành giáo dục tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác dạy học trực tuyến cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, đồng thời phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc chuẩn bị các điều kiện và hướng dẫn học sinh học trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất.

Tại biểu làm việc, Thông qua hệ thống thông tin trực tuyến, Thủ tướng đã thăm hỏi và kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chuẩn bị năm học mới 2021-2022 tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ; xã Yên Ninh, huyện Phú Lương; phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương báo cáo chi tiết công tác chuẩn bị cơ sở vật chất; chương trình, sách giáo khoa, dụng cụ dạy và học; đảm bảo nơi ăn ở, sinh hoạt, công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh cho học sinh, giáo viên…

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các xã, phường báo cáo chi tiết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các xã, phường như: Các biện pháp cơ bản phòng, chống dịch COVID-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng; khả năng đáp ứng, thích ứng với dịch bệnh trong các tình huống khác nhau; các nội hàm của phương châm phòng, chống dịch "xã, phường là pháo đài; người dân là chiến sĩ"; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; công tác tuyên truyền, vận động để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm"…

Sau khi nghe ý kiến của các đầu cầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu, cho biết: chuyến công tác Thái Nguyên lần này Thủ tướng muốn kiểm tra, nắm tình hình công tác chuẩn bị năm học mới 2021-2022, cũng như tình hình sản xuất của các doanh nghiệp mà cụ thể là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong toàn quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng và biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội", đặc biệt là chuẩn bị tốt, sẵn sàng cho năm học 2021-2022. Qua đó cho thấy Thái Nguyên có tâm thế tốt để có một năm học mới với thành công mới.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi độ Thu về, cả nước có 2 ngày đặc biệt đó là ngày Quốc khánh 2/9 và ngày tựu trường của thầy cô giáo và học sinh. Tuy nhiên do dịch COVID-19 nên nhiều địa phương chưa thực hiện được việc khai giảng năm học mới. Thủ tướng chia sẻ với những địa phương, các thầy cô giáo và học sinh do chưa thể khai giảng, đồng thời đang phải dạy và học trực tuyến kéo dài.

Thủ tướng cho biết, cách đây ít ngày, tại hội nghị trực tuyến chuẩn bị cho năm học mới, Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến, chỉ đạo các giải pháp để thúc đẩy nền giáo dục nước nhà. Các ý kiến đã nêu cần tháo gỡ khó khăn cho các trường ở vùng sâu, vùng xa, trường tư thục, đặc biệt là chỉ đạo ứng phó dịch bệnh trong năm học mới. Thủ tướng rất chia sẻ về những khó khăn này.

Khi thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Định Hóa, Thủ tướng thấy cơ sở vật chất đã được đầu tư khang trang hơn, nhưng so yêu cầu cần phải cố gắng hơn nữa. Các cháu học sinh rất thích học ở đây, cảm nhận được tình cảm nồng ấm, chân thành của các thầy cô giáo khi phải xa gia đình.

Nhân dịp khai giảng, Thủ tướng đến thăm trường để nắm bắt tình hình thực hiện các chính sách đối với con em đồng bào dân tộc. Đây là môi trường gắn bó với truyền thống hào hùng của Thủ đô kháng chiến, nay lại là vùng xanh trong chống dịch, các cháu được bình đẳng trong học tập, có không gian giáo dục thoáng đãng, văn minh. Nhân dịp năm học mới, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới các thầy cô giáo và học sinh những tình cảm thân thiết, quý mến.

Thủ tướng khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu, đó là chủ trương đúng đắn. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Trường dân tộc nội chú chính là một cách tổ chức để bù đắp lại khó khăn, thiệt thòi cho các cháu.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cần quan tâm hơn nữa các trường dân tộc nội trú; tiếp tục nghiên cứu chính sách hoàn thiện hơn đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, con em vùng đồng bào dân tộc; nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, triển khai, bảo đảm sự công bằng trong giáo dục.

Thủ tướng đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh dành cho trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Định Hóa nói riêng và sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà nói chung. Trong đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ bữa ăn của các cháu. Các cháu học sinh cũng rất cố gắng vượt qua mọi khó khăn để học tập tốt, nhất là những lúc các cháu xa gia đình, bố mẹ. Các thầy cô giáo luôn quan tâm, yêu thương các cháu; mong các cháu rèn luyện, vươn lên trong cuộc sống. Điều này khẳng định "Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã và đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để trường học trở lại bình thường, gắn với phương án tiêm vaccine sớm cho trẻ em... Đối với đối tượng chính sách, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành rà soát các cơ chế, chính sách, kiến nghị điều chỉnh phù hợp tình hình.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Định Hóa nói riêng và ngành giáo dục, đào tạo nói chung cần quan tâm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho học sinh; tăng cường hoạt động ngoại khoá, thể thao để các cháu phát triển về trí tuệ, thể lực và văn hoá; quan tâm, nghiên cứu thêm chế độ phụ cấp cho thầy cô giáo; cơ cấu lại đội ngũ giáo viên mầm non…

Thủ tướng mong các thầy cô giáo với truyền thống lịch sử hào hùng, nỗ lực, lan toả tình yêu thương, thân ái, tinh thần yêu nước đến các cháu. Vì các cháu hiểu giá trị lịch sử của mảnh đất cách mạng hào hùng, sự quan tâm của thầy cô, khát vọng của tuổi trẻ sẽ thay đổi cuộc sống của gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. "Học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng thân ái gửi tới cán bộ ngành giáo dục lời chúc sức khoẻ, nhiều niềm vui và thành công trong năm học mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.