Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc cùng các cơ quan, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học.
Không chỉ “bắt bệnh”, hội nghị nhằm ứng phó với “bệnh của trời” với việc thảo luận, đưa ra các giải pháp toàn diện để giải quyết những vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài nhằm giảm bớt thiệt hại về người và tài sản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát Đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều (tháng 10/2017). Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ở nước ta, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP. Riêng năm 2017, năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên Biển Đông, đã làm 386 người chết, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).
Mặc dù diễn biến bất thường khốc liệt của thiên tai, nhưng nhờ công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy được triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, sự chủ động sáng tạo khắc phục khó khăn của người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên đã giảm bớt được thiệt hại về người và tài sản.
Đối với đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” thì việc chủ động có các giải pháp hữu hiệu phòng chống thiên tai là điều hết sức cần thiết.
Hội nghị toàn quốc hôm nay sẽ đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình thiên tai; thực trạng về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; những vấn đề tồn tại và bất cập cũng như đề ra các giải pháp toàn diện để giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài sẽ diễn ra.