Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu ra đời năm 1982, với sứ mệnh nuôi dạy trẻ em khiếm thị của Hà Nội để các em có thể hòa nhập cộng đồng, sống tự lập và có đóng góp cho xã hội. Từ năm 1988 đến nay, Trường được phép tuyển sinh học sinh không khuyết tật. Hiện nay, Trường thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 9.
Sau 42 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, với những giá trị cốt lõi “nhân ái, trách nhiệm, sáng tạo, hội nhập, phát triển”, nhà trường được sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo về mô hình dạy học hòa nhập có hiệu quả. Học sinh khiếm thị theo học tại trường đã được trang bị đầy đủ điều kiện để hòa nhập cộng đồng, tiếp tục theo học Trung học phổ thông, học nghề…
Năm học 2023 – 2024, nhà trường có 1.548 học sinh, trong đó có 145 học sinh khiếm thị. Học lực của học sinh không ngừng được nâng lên, năm học 2023 – 2024, số học sinh đạt học lực khá, giỏi đạt trên 80%, không có học sinh yếu kém. Kết quả rèn luyện đạo đức 100% học sinh khối Trung học cơ sở đạt hạnh kiểm tốt và khá. Trường có 100% học sinh khiếm thị có nhu cầu và khả năng được tổ chức học tập để phát triển năng khiếu.
Sau khi nghe Thư chúc mừng năm học mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Lễ khai giảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tình cảm ấm áp được nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt sáng ngời, sự yêu thương, lòng nhân ái và sự hào hứng, quyết tâm của học sinh, các thầy cô giáo trong năm học mới.
Gửi tới các thầy cô giáo và học sinh trên cả nước tình cảm thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất và năm học 2024-2025 sẽ có nhiều niềm vui, thành tích tốt hơn năm học đã qua, Thủ tướng nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”; “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Thủ tướng cho biết, ghi nhớ và khắc sâu lời dặn của Người, những năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, lĩnh vực đặc biệt quan trọng, then chốt, mang tính quyết định; đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục, đào tạo.
Giáo dục Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng; công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo” được tập trung triển khai, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đặc biệt trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm học mới 2024 - 2025, phải tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng". Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm cho tốt; việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa - phải để năm học mới đạt kết quả tốt hơn năm học vừa qua.
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, các bậc phụ huynh trường Nguyễn Đình Chiểu luôn là điểm tựa vững chắc, là chỗ dựa tinh thần, vật chất, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thấu hiểu khó khăn, thách thức.
Đặc biệt là đối với các cháu học sinh khuyết tật, phải tạo niềm tin để các cháu vượt qua nghịch cảnh, sự thiệt thòi, để học giỏi, sống tốt, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Nhà trường phải là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi cho các cháu học sinh, đặc biệt không có bạo lực học đường, ma túy học đường.
Đối với học sinh khuyết tật, cần đảm bảo trang bị mọi kỹ năng, kiến thức cần thiết để sau khi tốt nghiệp, các cháu có thể độc lập trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cần quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo để các thầy, cô giáo thực sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho các thế hệ học sinh noi theo.
Thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, luôn khích lệ, động viên, hướng dẫn, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các cháu; phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho từng học sinh phát huy sở trường; không chỉ nói những điều mình biết, hiểu mà cần truyền cho các cháu tinh thần hào hứng học, kích thích trí tò mò, óc sáng tạo; không chỉ học qua sách vở mà cần chú trọng cả thực hành; khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.