Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Hồng Quân cho biết, với tinh thần “Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”, Hội đã xác định đây là sự nghiệp có phạm vi hoạt động rất rộng lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả dân tộc, có ý nghĩa chính trị, nhân văn, đạo lý sâu sắc.
Sau 10 năm hoạt động, đến nay, Hội đã thành lập được 4 viện nghiên cứu, 22 trung tâm và hàng nghìn chi hội, câu lạc bộ với hàng chục vạn hội viên. Đã vận động, quy tụ hàng chục tổ chức, công ty nhiệt tình và tâm huyết với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng tham gia làm hội viên, thành viên của Hội.
Tại cuộc gặp mặt, Hội kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách bảo đảm mọi người dân đều có bảo hiểm y tế, đều được hưởng quyền chăm sóc sức khỏe, khám, chữa và điều trị bệnh tật với chất lượng ngày càng cao hơn, thuận tiện và giá thành rẻ hơn. Có cơ chế chính sách phối hợp công-tư trong chăm sóc sức khỏe, khám chữa, điều trị bệnh cho nhân dân ngay tại tuyến y tế cơ sở; khuyến khích các thành phần, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào các dịch vụ giáo dục chăm sóc sức khỏe, khám chữa và điều trị bệnh tật; xây dựng cơ chế, chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng các dịch vụ y tế…
Nhấn mạnh tinh thần luôn lắng nghe ý kiến của các Hội, trong đó có Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam trong xây dựng chính sách, Thủ tướng cho rằng, chủ trương thành lập tổ chức Hội có ý nghĩa rất lớn khi mà phòng bệnh là chính.
Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động trong thời gian qua của Hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đánh giá các hoạt động của Hội thời gian qua rất thiết thực, hiệu quả mà “cái gì thiết thực cho nhân dân thì chúng ta phải làm”. Hội đã quy tụ được nhiều người tài, người có kinh nghiệm chuyên môn. Hệ thống tổ chức Hội đa dạng, phong phú, lớn mạnh nhanh. “Các đồng chí đã đề cập sâu sắc đến vấn đề nâng cao chất lượng giống nòi của một dân tộc”, Thủ tướng nói và cho rằng điều này rất quan trọng để làm sao xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh. Theo Thủ tướng, tôn chỉ, mục đích của Hội rất nhân văn trong việc đóng góp vì sức khỏe cộng đồng.
Thủ tướng cũng đánh giá cao kiến nghị của Hội về việc xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực và thống nhất với ý kiến của Hội về việc tập trung quan tâm 3 nhóm đối tượng là người cao tuổi (hiện có gần 11 triệu người, trong đó có khoảng 400.000 người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế và trẻ em, đồng bào dân tộc.
Nhấn mạnh sức khỏe là vốn quý nhất của con người, Thủ tướng nêu rõ, việc giáo dục chăm sóc sức khỏe rất quan trọng trong từng gia đình, bản làng, thôn ấp chứ không phải chuyện bình thường. Hội cần tăng cường vai trò quan trọng này cùng với ngành y tế. Vì thế, hình thức giáo dục, các phương thức hoạt động của Hội phải làm tốt hơn. Hội cần phát huy y học cổ truyền dân tộc, một thế mạnh của y tế Việt Nam.
Nhất trí với các kiến nghị cụ thể của Hội, Thủ tướng cho rằng, đã có các văn bản pháp luật, chính sách liên quan, chỉ có khâu tổ chức thực hiện có tốt không. Thủ tướng lấy ví dụ về kiến nghị mọi người dân có bảo hiểm y tế, thì “Việt Nam đã đạt con số trên 87%, làm sao đưa ra chủ trương, biện pháp để trên 95% có thể bảo hiểm y tế, câu hỏi đặt ra chỗ đó”. Hay làm sao chống thất thoát, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế…
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có cuộc làm việc chính thức với Hội về các kiến nghị cụ thể này và từ đó, trình Thủ tướng những chủ trương, biện pháp mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có cuộc làm việc với Hội về vấn đề giáo dục sớm, một vấn đề quan trọng trong chăm sóc sức khỏe.
Thủ tướng nhìn nhận, trong năm nay, từ các cuộc làm việc này mà Thủ tướng có văn bản chỉ đạo về vấn đề này thì là một thành công của Hội, cùng với việc vận động, tuyên truyền tổ chức thực hiện.
Về công tác tuyên truyền, Thủ tướng gợi mở cho Hội việc đẩy mạnh thông tin truyền thông trên mạng xã hội về giáo dục chăm sóc sức khỏe hay đưa vào hệ tri thức Việt số hóa để mọi người dân được biết, “tự bảo vệ, tự chăm sóc sức khỏe cho mình dưới sự hướng dẫn của Hội là điều đáng quý”.