Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổ chức thực hiện, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định, đảm bảo tiến độ Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2019, Quốc hội khóa XIV, theo VOV.
Trước đó, Bộ GTVT có báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thanh giai đoạn 1. Theo đó, sân bay Long Thành xây dựng một đường cất hạ cánh có chiều dài là 4000 m và chiều rộng là 45 m, một nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ đồng bộ với công suất phục vụ 25 triệu hành khách/ năm có diện tích khoảng 373.000 m2.
Xây dựng Đài kiểm soát không lưu có chiều cao khoảng 123 m đảm bảo công tác điều hành, quản lý bay. Xây dựng các nhà ga hàng hóa cùng các công trình tiện ích hàng hóa đáp ứng công suất khai thác khoảng 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Xây dựng trạm điện đáp ứng công suất tiêu thụ điện khoảng 50MVA.
Bên cạnh đó, xây dựng trạm phân phối nước, hệ thống bể ngầm và đường ống đáp ứng công suất sử dụng nước khoảng 13.000 m3/ngày đêm. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải với đáp ứng công suất 5.700 m3/ngày đêm… Dự án có tổng mức đầu tư hơn 112.000 tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ USD).
Về giao thông, sân bay sẽ kết nối với các đường được xây dựng trong tương lai. Cụ thể, Quốc lộ 51 cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Dầu Giây – Phan Thiết. Bên cạnh đó, có tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, được quy hoạch trên đường trục chính của sân bay (Chiều dài tuyến từ Tp. HCM đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành khoảng 33 km). Tiếp đến, tuyến đường sắt nhẹ vận chuyển hành khách từ ga Thủ Thiêm (TP.HCM) đến sân bay Long Thành, theo báo Pháp luật TP HCM.