Chủ tịch ACV: Chuẩn bị sẵn 1,5 tỷ USD làm sân bay Long Thành

ACV chuẩn bị sẵn nguồn vốn đảm bảo việc đầu tư xây mới nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất, cùng với giai đoạn 1 của dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Nhà nước nên xã hội hoá kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng, không nên chỉ kêu gọi một hạng mục riêng biệt bởi không phải cảng hàng không nào cũng mang lại nguồn lợi trực tiếp.

Ngoài ra, ACV chuẩn bị sẵn nguồn vốn đảm bảo việc đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống Cảng hàng không, trong đó có nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất, cùng với giai đoạn 1 của dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nên xã hội hóa như Vân Đồn

- Thị trường hàng không tăng trưởng “nóng” trong thời gian qua đã tác động như thế nào đến hạ tầng hàng không, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: Theo dự báo, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hàng không có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới trong thời gian tới. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, kinh tế xã hội vùng địa phương phục vụ du lịch... thì câu chuyện phát triển hàng không bền vững rất quan trọng.

Phát triển bền vững vận tải hàng không yêu cầu tất cả các khâu từ quản lý Nhà nước đến hạ tầng gồm sân bay, quản lý bay, dịch vụ hàng không, nhà ga, sân đỗ... để đảm bảo sự phát triển hàng không.

ACV ưu tiên tập trung đồng bộ dây chuyền hàng không và là đơn vị tham gia vào một trong những mắt xích này. ACV được Nhà nước giao đầu tư xây dựng quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng sân bay đối với 22 cảng hàng không. Trước mắt, ACV sẽ tập trung quản lý khai thác, duy trì hệ thống hiện tại khai thác một cách đồng bộ thông suốt đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Theo Quyết định 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ACV giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư xây dựng quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng sân bay.

Để đầu tư phát triển phải có nguồn lực, Nhà nước đã có chính sách huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng trong đó có hàng không. ACV vẫn phải đóng vai trò chủ đạo với tư cách một Tổng công ty lớn của Nhà nước được lập ra nhằm mục đích đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. ACV tự tin đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để đáp ứng định hướng, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay sắp tới.

- Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không như SunGroup với Cảng hàng không Vân Đồn hoặc nhà ga T3 có FLC… Tuy nhiên, việc xã hội hóa hàng không dường như vướng nhiều cơ chế, rào cản khiến nhà đầu tư khó có thể chen chân và chùn bước. Ông nghĩ gì về thực tế này?

Ông Lại Xuân Thanh: Xã hội hoá phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư và  xã hội. ACV luôn ủng hộ chủ trương xã hội hoá nhưng cần theo mô hình của Vân Đồn. Nhà nước nên xã hội hoá kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng, không nên chỉ kêu gọi một hạng mục riêng biệt.

Nếu một cảng hàng không mà cắt từng hạng mục thương mại xã hội hóa sẽ dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của ACV. Đơn cử như Cảng hàng không Điện Biên được tỉnh Điện Biên đề xuất tổng số vốn đầu tư xây dựng là khoảng gần 5.500 tỷ đồng trong đó 3.770 tỷ đồng để làm khu bay, còn đề xuất đầu tư công-tư (PPP) nhà ga 1.700 tỷ đồng. Như vậy, rõ ràng Nhà nước phải gánh phần lớn nguồn vốn khu bay, rất khó thu hồi. Nếu được giao, ACV sẵn sàng đảm nhận toàn bộ khu bay và nhà ga.

Khi Nhà nước giao quản lý khai thác, cảng hàng không phải có trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư phát triển mở rộng. Do đó, nếu chỉ xã hội hóa một hạng mục mang tính thương mại trong cảng hàng không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sự duy trì phát triển ổn định của cả cảng, bao gồm tất cả các thành tố khu bay và các hạng mục thương mại khác.

Không phải cảng hàng không nào cũng mang lại nguồn lợi trực tiếp. Nhà nước phải duy trì toàn bộ các cảng, trong đó có những cảng địa phương chỉ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương chứ không cho lợi ích của chính cảng hàng không đó.

Vẫn phải “liệu cơm gắp mắm”

- Vậy chăng đây là điều ACV vẫn quyết tâm đầu tư vào sân bay Nà Sản, Điện Biên được dự báo có lợi nhuận cực thấp thậm chí là gánh nặng cho ACV trong tương lai, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: ACV là Công ty cổ phần nhưng vẫn là doanh nghiệp Nhà nước. Do Nhà nước chiếm 95,4% vốn nên chúng tôi thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao đó là phát triển tổng thể mạng lưới kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay chứ không phải chỉ những cảng hàng không đem lại lợi nhuận tài chính như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, sắp tới là Cam Ranh, Cát Bi, Phú Quốc. Còn lại, vẫn phải duy trì một hệ thống theo đúng quy hoạch của Nhà nước đó là đến năm 2020 có 23 cảng hàng không, năm 2030 có 28 cảng hàng không. Hạ tầng được quy hoạch và các hãng hàng không phát triển dựa trên quy hoạch đó.

Chủ tịch ACV: Chuẩn bị sẵn 1,5 tỷ USD làm sân bay Long Thành ảnh 1

Phương án nhà ga hình lá cọ, dừa nước cách điệu của sân bay Long Thành.

Hàng không về mặt khai thác có 2 đầu (sân bay đi và đến), với vai trò ý nghĩa của một Cảng hàng không như Điện Biên thì bài toán đem lại nguồn lợi tài chính là khó khăn và không biết bao giờ hoàn vốn. Tuy nhiên, cảng hàng không này có vai trò hết sức to lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực Tây Bắc. Như vậy, nguồn lực đầu tư có thể là từ ngân sách Nhà nước hoặc bằng các nguồn lực khác để đầu tư hạ tầng.

- ACV đã chuẩn bị tiền để đầu tư nhà ga T3 và Cảng hàng không Long Thành như thế nào?

Ông Lại Xuân Thanh: Hiện ACV đã chuẩn sẵn 25.000 tỷ đồng và dự kiến  giai đoạn 2019-2025, ACV tích lũy thêm nguồn vốn đầu tư khoảng 85.000-87.000 tỷ đồng để đầu tư Nhà ga T3 và sân bay Long Thành.

Về nguồn vốn cho sân bay Long Thành, trong tổng vốn 3,7 tỷ USD rót vào đầu tư bao gồm khu bay, hệ thống nhà ga, hệ thống công cộng giao thông nội cảng, cấp thoát nước, công trình đảm bảo an ninh an toàn hàng không, giao thông tiếp cận nối với cảng hàng không… ACV cân đối nguồn lực và dự kiến dành khoảng 45.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), còn lại có thể vay thương mại, huy động vốn từ các định chế tài chính.

Đối với các hạng mục khác của Cảng hàng không Long Thành, ACV không kiến nghị đảm nhận để xã hội hóa đó là các công trình phục vụ mặt đất, suất ăn hàng không, xăng dầu, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay...

- Xin cảm ơn ông./.

Theo TTXVN
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
(Ngày Nay) - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández tới Việt Nam là sự khẳng định ý chí của La Habana trong việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác song phương trên cơ sở mối quan hệ lịch sử anh em gắn kết nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
(Ngày Nay) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.