Người dân Thừa Thiên Huế những ngày này vẫn còn bàng hoàng và cho rằng, mưa lũ, bão xảy ra liên tục trong những tháng cuối năm 2020 là điều chưa từng có và mang tính “lịch sử”. Cũng dễ hiểu khi ngoài hàng trăm ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước thì đã có hàng chục người chết, trong đó vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 được xem là “kinh hoàng” và quá xót xa, lấy đi 30 sinh mạng và đến nay dù đã gần 2 tháng nhưng vẫn còn 11 công nhân chưa được tìm thấy.
Thiên tai tại Thừa Thiên Huế xuất hiện nặng nhất là vào tầm đầu tháng 10, khi mưa lớn liên tục trong nhiều ngày đã gây thiệt hại nặng.Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, mưa lũ trong tháng 10 đã làm ít nhất 31 người chết (12 người chết khi mưa lũ, 6 công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 khi đi cứu hộ), còn mất tích 11 người tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3; 13 người bị thương. Đợt đó, mưa lũ làm hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước và nước lũ trên sông Bồ vượt mức năm 1999. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Tổng thiệt hai khoảng 1.126 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 10, bão số 9 đi qua dù không có người chết nhưng bị thương 14 người, hàng ngàn nhà bị tốc mái. Thiệt hại nặng nhất nằm ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Hàng chục điểm trường hư hỏng. Bờ biển tỉnh tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14km.
Bão số 13 càn quét giữa tháng 11 tiếp tục gây thiệt hại cho Thừa Thiên Huế, khi có 6 nhà sập và gần 5.000 nhà dân và trường học... tốc mái. Bờ biển tiếp tục sạt lở nặng nề.
Chưa kể trước đó bão số 5 “tấn công” Huế giữa tháng 9 khiến 1 người chết, 95 người bị thương, hơn 21.000 ngôi nhà bị tốc mái và mất điện nhiều ngày. Ngoài ra, nhiều đợt mưa lũ lớn khác cũng đã gây ra nhiều thiệt hại nặng cho Thừa Thiên Huế mà không thể kể hết, nhiều vùng ngập trong nước suốt cả tháng trời...
“Năm gì mà đã dịch bệnh rồi còn mưa bão kéo dài liên tiếp. Đợt mưa tháng 10 khiến nhà tôi ngập gần đến nóc phải di tản gấp, nhà bên cạnh thì sau đó đã tốc mái hết do bão lớn. Thật sự chúng tôi đợt này thiệt hại quá nặng nề...”, một người dân huyện Phong Điền thổ lộ.
Thiên tai dồn dập là điều không ai mong muốn. Không cách nào khác, chính quyền Thừa Thiên Huế đã và đang nổ lực để cùng người dân vượt qua khó khăn. Liên tiếp những đoàn cứu trợ đổ về Huế để sẻ chia, cùng với đó Trung ương cũng phân bổ kinh phí, hàng nghìn tấn gạo và lương thực; nhiều cơ quan đoàn thể đã ủng hộ về vật chất và tinh thần...
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả của mưa bão, giảm thiểu thiệt hại của người dân. Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, bảo đảm không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật. Bên cạnh đó dọn vệ sinh môi trường; tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát...
Đến nay, cuộc sống người dân phần lớn đã ổn định trở lại dù còn vẫn nhiều khó khăn... Tuy nhiên, sự mất mát lớn về người và những ngày này tại Rào Trăng 3 – nơi còn 11 công nhân đang mất tích trong sự nổ lực tìm kiếm của lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn là niềm đau với nhân dân và chính quyền Thừa Thiên Huế trong đợt thiên tai lịch sử này.