Chiều 1/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với ông Pier Georgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Buổi làm việc hướng tới mục đích tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng Việt Nam - EU trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
EU là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản. Kể từ 1/8/2020 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 bên ngày càng khởi sắc. Trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19 thì 8 tháng năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU đạt 2.38 tỷ USD, tăng 8,11% so với cùng kỳ 2020; nhập khẩu là 542 triệu USD, tăng 2,24%.
“EU là thị trường lớn tiềm năng cho nông sản nhiệt đới; trong đó, có nông sản Việt Nam. Hiệp định tạo thêm cơ hội và xung lực mạnh mẽ và hợp tác thương mại, thời gian tới là đầu tư trong nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Theo Đại sứ Pier Georgio Aliberti, qua hơn 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), hai bên đã cùng nhau hợp tác và kỳ vọng tiếp tục có các cuộc đối thoại sâu, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Việt Nam sẽ thực thi hiệu quả Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).
Về phát triển hạ tầng, trong đó có vấn đề xây dựng chuỗi bảo quản lạnh kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải, Đại sứ Pier Georgio Aliberti đánh giá đây là vấn đề quan trọng. EU có thể hỗ trợ cung cấp các vấn đề về kỹ thuật cho phát triển bảo quản lạnh với mặt hàng rau quả của Việt Nam để xuất khẩu sang EU. Về vấn đề kiểm dịch động thực vật thì hai bên cần tiếp tục trao đổi để tìm ra các giải pháp.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng và Đại sứ đều thống nhất việc hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản. Bên cạnh các mặt hàng nêu trên, cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…