Trẻ em ở lứa tuổi học đường là giai đoạn cần tăng trưởng về cân nặng, tăng trưởng chiều cao. Ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi khoảng 28%, thiếu kẽm khoảng 69%... Vì thế, khi triển khai chương trình sữa học đường, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trong các sản phẩm đó là cần thiết.
Đối với đề án Sữa học đường, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo bổ sung 3 vi chất là canxi, vitamin D và sắt. Đây là 3 vi chất dinh dưỡng liên quan trực tiếp đến tăng trưởng chiều cao, phòng chống thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên đây chỉ là một trong những vi chất quan trọng nhất và tối thiểu phải có. Căn cứ vào tình trạng vi chất dinh dưỡng và tăng trưởng ở trẻ, cần phải bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng hơn như vậy.
Theo khuyến nghị, ngoài chất đạm, chất béo và đường bột thì cần có các vitamin và chất khoáng khác gồm can-xi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D và vitamin K2…, bên cạnh đó còn nhiều vitamin và chất khoáng khác để giúp trẻ hấp thu sắt, can xi.
Về những lo ngại của phụ huynh với việc bổ sung quá nhiều vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường, TS Trương Hồng Sơn cho rằng, để xem một sản phẩm có được bổ sung vượt ngưỡng hay không cần phải xem xét hai yếu tố: Một là về sự có mặt của các loại vitamin và khoáng chất; hai là hàm lượng của từng loại có hiệu quả hay không, có vượt ngưỡng hay không.
“Về mặt số lượng của các loại vitamin và khoáng chất chúng tôi đã phân tích ở trên. Thực tế sản phẩm sữa bò tươi nguyên chất cũng đã có hàng chục vi chất dinh dưỡng trong thành phần chứ không phải chỉ có 3 vi chất dinh dưỡng”, TS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh. Trong khuyến nghị của sữa học đường không có một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, kẽm. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu kẽm tại Việt Nam chiếm 2/3 số trẻ em, thiếu vitamin A tiềm ẩn vẫn tồn tại. Như vậy, bổ sung kẽm, vitamin A vào sữa học đường sẽ đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em. Việc bổ sung đưa thêm vi chất dinh dưỡng này với trẻ em Việt Nam như hàm lượng đang đưa là hợp lý và theo đúng các quy định về bổ sung vi chất dinh dưỡng từ góc nhìn chuyên môn.
Về hàm lượng của các vi chất dinh dưỡng, chúng ta hiểu là nếu lượng vitamin và khoáng chất ở ngưỡng cao có thể đem lại hiệu quả không mong muốn, gây bất lợi. Thí dụ bổ sung canxi và vitamin C quá liều trong thời gian dài có thể gây sỏi thận. Tuy nhiên chúng ta cần biết là trong các thực phẩm bổ sung, hàm lượng của các vi chất dinh dưỡng được bổ sung đều ở mức chỉ khoảng 5%-10% so với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Như vậy, phải uống tới 10-20 hộp mới đạt được nhu cầu khuyến nghị/ngày. Và hơn nữa từ ngưỡng nhu cầu khuyến nghị này đến mức có thể gây hại thì lại càng rất xa.
Theo TS Trương Hồng Sơn, các sản phẩm thực phẩm bổ sung khi đưa ra thị trường đều dựa trên nhu cầu khuyến nghị và các ngưỡng an toàn để bảo đảm các thực phẩm đem lại hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.