Đó là sản phẩm ý nghĩa của hai em Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Anh Thư (học sinh trường THCS Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Theo hai em, hiện công nghệ xử lý rác thải ở Việt Nam chủ yếu thực hiện dưới hình thức thu gom, chôn lấp ở các bãi rác chứ chưa chú trọng việc phân loại rác để tái sử dụng. Ở các nước phát triển việc thu gom và phân loại rác đã trở thành một việc làm bình thường, những thùng đựng rác đều do các gia đình bỏ tiền mua. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang sôi nổi phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh” và “Chống rác thải nhựa” nhằm giúp tỉnh này thêm Xanh - Sạch - Sáng. Đây là cơ hội để mọi người chung tay bảo vệ môi trường.
“Chúng em tiến hành nghiên cứu đề tài thùng rác thân thiện để nâng cao nhận thức của người dân về công việc phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng rác thải, góp phần hạn chế nguồn rác thải ra môi trường, bởi đây là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và bệnh tật...”, Lợi nói.
Sau khi ý tưởng hoàn thành, các em tiến hành tìm mua vật liệu, rồi lập trình, đấu nối và vận hành sử dụng. Các em phải đưa ra bản vẽ phù hợp để cho các cánh cửa mở ra đúng với ý tưởng đã đưa...
Theo đó, pin năng lượng mặt trời cấp vào mạch sạc, sạc cho ắc quy. Nguồn lấy từ ắc quy qua mạch nguồn hạ áp 5V để cung cấp cho toàn bộ hệ thống mạch điều khiển thùng rác, con người bỏ rác vào đúng ngăn quy định.
Thùng rác thân thiện với môi trường của hai em học sinh. |
Khi bật công tắc nguồn, tất cả các mạch điện trong hệ thống thùng rác đều hoạt động. Khi có người đến bỏ rác ở khoảng cách 30 cm, thùng rác sẽ cất lời chào. Lúc đưa các loại rác đến thùng rác, trên thùng rác có 2 ngăn để phân biệt “rác kim loại” và “các loại rác khác” bằng cảm biến kim loại tiệm cận và cảm biến hồng ngoại trên mỗi ngăn.
Khi có người định bỏ rác kim loại vào ngăn “các loại rác khác”, cảm biến nhận tín hiệu kim loại nên mạch không làm việc, cửa không mở. Lúc đó, nếu bỏ rác kim loại vào ngăn số 1, cảm biến kim loại nhận tín hiệu cho mạch làm việc, cửa mở để bỏ rác vào thùng. Tương tự, khi bỏ cầm các loại rác khác bỏ vào ngăn “rác kim loại”, cảm biến kim loại nhận tín hiệu rác đó không phải là kim loại nên mạch không làm việc, cửa số 1 không mở. Lúc này, nếu bỏ rác vào ngăn số 2, cảm biến nhận tín hiệu mạch điều khiển mở cửa, người sử dụng có thể bỏ rác vào thùng.
Người dân bỏ rác vào thùng rác đặt biệt này. |
Không chỉ vậy, khi người bỏ rác rời đi, thùng rác lại chào tạm biệt. Khi thùng rác đầy, cảm biến hồng ngoại nhận tín hiệu báo đầy bằng tín hiệu RF đã đặt trong nhà hoặc phòng trực cờ đỏ khoảng cách 100 m. Đèn cảnh báo sáng lên, người có nhiệm vụ đi lấy rác đưa đến nơi xử lý rác.
“Sản phẩm đã sử dụng công nghệ 4.0 như dùng các loại cảm biến hồng ngoại, cảm kim loại để phân loại rác; sử dụng pin năng lượng mặt trời 17,5V DC cung cấp điện cho bình ắc quy 12V DC, ắc quy lưu trữ điện để cung cấp cho toàn bộ các mạch điện ở thùng rác là 12V DC và 5V DC...”, Thư cho hay.
Trao đổi với PV, thầy Trần Văn Vu, giáo viên hướng dẫn Thư và Lợi cho biết, hai em học giỏi, đam mê khoa học và có năng khiếu sáng tạo. Để cho ra đời sản phẩm này, cả hai đã tập trung cao độ, làm hết sức mình... “Thùng rác hoạt động tốt, học sinh rất thích thú khi bỏ rác vào thùng. Nếu được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các công ty hay các nhà tài trợ, sản phẩm sẽ được nhân rộng để sử dụng trong toàn tỉnh hoặc trên cả nước, đề tài này giúp mỗi người dân có ý thức phân loại rác từ trong gia đình, trường học và công cộng...”, thầy Vu nói.
Sản phẩm của hai em Thư và Lợi đã xuất sắc đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng cấp tỉnh năm 2019, giải Tư Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2019.
Được biết, thùng rác đã được ứng dụng vào lớp học, sân trường, căng tin, gia đình. Ngoài ra, sản phẩm có mặt trong các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại địa phương, giúp người dân bảo vệ môi trường chung cho toàn xã hội thêm xanh, sạch...
“Sắp tới chúng em sẽ cố gắng cải tiến thùng rác này gọn hơn, nhiều tính năng mới hơn, đồng thời sáng chế nên nhiều sản phẩm ý nghĩa khác giúp ích cho xã hội, đặc biệt là môi trường”, hai em bộc bạch.