Bất chấp các biện pháp kiểm soát của chính phủ, tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau vẫn tồn tại do chiến dịch tiếp thị của các hãng dược phẩm, dẫn đến nhận thức sai lầm về sử dụng thuốc giảm đau của một bộ phận người Mỹ.
Xem nhẹ cảnh báo về Opioid
Báo cáo của CDC công bố hồi tháng 4 vừa qua kết luận số người chết vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2010.
Tính riêng năm 2010, có tới 16.651 trường hợp tử vong. Trên thị trường hiện nay, phần lớn thuốc giảm đau đều thuộc nhóm Opioid có chứa tiền chất heroin và morphine (một loại thuốc giảm đau gây nghiện). Thuốc giảm đau nhóm Opioid được các công ty dược phẩm Mỹ quảng cáo là “cuộc cách mạng” trong điều trị giảm các cơn đau. Tuy nhiên, thay vì chữa trị tận gốc căn bệnh thì Opioid chỉ giúp người bệnh tạm thời dứt cơn đau.
Lạm dụng thuốc giảm đau dẫn đến hậu quả nghiêm trọng |
Tình trạng này đã được các chuyên gia Mỹ liên tục cảnh báo trong các năm gần đây, do những loại thuốc giảm đau như OxyContin, Percocet hay Vicodin có thể gây nghiện, hoặc được người có tiền sử nghiện ma túy sử dụng để thay thế.
Khi cơ thể người bệnh đã nhờn thuốc cũng là khi Opioid không còn tác dụng giảm đau, người sử dụng sẽ phải sống chung với cơn nghiện thuốc và có chiều hướng tìm đến heroin để giải tỏa cơn nghiện. Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nghiện ma túy và chết vì ma túy ở Mỹ tăng cao trở lại trong khoảng 20 năm trở lại đây.
Trước thực trạng đó, tháng 5 năm ngoái, đại diện hai quận Orange và Santa Clara ở bang California, Mỹ đã khởi kiện năm công ty dược phẩm lớn nhất thế giới, cáo buộc các công ty này lừa dối khách hàng để tăng doanh thu. Giới chức hai quận trên ghi nhận số ca tử vong cùng những vụ cấp cứu liên quan Opioid tăng gấp ba lần từ năm 2010 đến năm 2013. Ngoài ra, chính quyền thành phố Chicago phải trả 9,5 triệu USD tiền bồi thường bảo hiểm thuốc kê theo đơn từ năm 2008 và nhiều chi phí chăm sóc sức khỏe phát sinh có liên quan Opioid.
Do đó, năm công ty dược phẩm bao gồm Nhà sản xuất thuốc Actavis, Công ty Dược phẩm Janssen, Công ty Dược phẩm Purdue, Tập đoàn Giải pháp y tế Endo và Công ty Cephalon trực thuộc Tập đoàn công nghiệp dược phẩm Teva đã bị cáo buộc vi phạm luật pháp bang California vì quảng cáo sai sự thật, cạnh tranh không lành mạnh và gây tác động xấu tới xã hội.
Vụ việc vẫn đang được Tòa án California thụ lý hồ sơ. Đây không phải là lần đầu ngành dược phẩm của Mỹ đối mặt với những cáo buộc như vậy. Năm 2007, Công ty dược Purdue đã phải bồi thường và nộp phạt 635 triệu USD để giải quyết các cáo buộc hình sự và dân sự, do công ty này trả tiền cho các bác sĩ kê đơn thuốc OxyContin gây nghiện.
Theo một cuộc điều tra của tạp chí Time, nhiều bác sĩ không những ăn chia với hãng dược phẩm mà còn cố ý kê đơn tăng sử dụng thuốc nhóm Opioid nhằm giữ chân bệnh nhân.
Kristan Hilchey, 41 tuổi sống tại Rockland là một trong số những người đã tố cáo năm 2003 bác sĩ của cô kê đơn OxyContin trong suốt thời gian cô chữa trị chứng đau nhức. Cho dù thuốc làm cắt cơn đau tạm thời nhưng mỗi khi ngừng sử dụng, cô bị đau trở lại và tiếp tục lệ thuộc vào đơn thuốc của bác sĩ, dẫn đến nghiện ma túy. Hilchey hiện là nhà hoạt động nhằm siết chặt các biện pháp quản lý việc kê thuốc giảm đau nhóm Opioid cho bệnh nhân.
Tại quận Orange, giới chức ghi nhận số vụ kiện có liên quan tình trạng tử vong do sử dụng thuốc giảm đau ngày càng tăng. Thẩm phán quận Orange Tony Rackauckas cho biết vụ việc phải được mở rộng thành vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo ông, việc đầu tiên cần làm là ngăn chặn những chiến dịch tiếp thị đang lừa dối người tiêu dùng về tác dụng của thuốc giảm đau, sau đó các công ty dược sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng thuốc, vì việc quảng cáo sai sự thật đã thu về cho các nhà làm thuốc lợi nhuận khổng lồ, trong khi đó để lại ảnh hưởng to lớn đến xã hội.
“Bình mới, rượu cũ”
Cuốn sách “Bí mật heroin” của Giáo sư người Mỹ Joseph Mercola, tác giả nhiều cuốn sách y học bán chạy của NXB First New, coi cơn nghiện thuốc giảm đau ở Mỹ hiện nay chẳng khác gì cơn nghiện heroin hồi thế kỷ 19.
Ảnh minh họa |
Năm 1874, dược sĩ kiêm nhà hóa học người Anh Alder Wright tổng hợp ra diacetylmorphine (tức heroin) dùng trong y học, sau đó được hãng dược phẩm khổng lồ của Đức là Bayer mua lại. Lúc đầu, heroin được xem như dược phẩm chữa bách bệnh nhờ tác dụng giảm đau hữu hiệu. Năm 1898, Bayer tung ra thị trường thương hiệu thuốc bán chạy nhất thời đại với thành phần chính là heroin. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó heroin đã bị cấm sử dụng vì gây nghiện.
Ngày nay, các công ty dược phẩm sản xuất thuốc giảm đau có thành phần ma túy đã mua chuộc bác sĩ nhằm khuếch đại tác dụng và tăng liều dùng thuốc giảm đau. Các chương trình tiếp thị hứa hẹn những lợi ích của thuốc nhóm Opioid như giúp ngủ tốt hơn, an thần, giảm đau và gọi đó là “cải thiện chất lượng cuộc sống”.
Theo Giáo sư Mercola, các bệnh nhân bao gồm cả cựu chiến binh và người cao tuổi, đều được kê đơn thuốc giảm đau cho các bệnh thông thường như đau đầu, đau xương khớp hay đau lưng. Ngoài ra, đã có rất nhiều báo cáo ghi nhận các con nghiện sử dụng thuốc giảm đau thay heroin, vì thuốc giảm đau có nồng độ tương tự heroin nhưng lại có giá rẻ hơn và dễ mua. Thậm chí có những vụ cướp hiệu thuốc để lấy thuốc giảm đau Opioid.
Theo Giáo sư Joseph Mercola, việc sản xuất thuốc giảm đau nhóm Opioid đại trà như hiện nay ở Mỹ so với sử dụng heroin trước đây chỉ là chuyện “bình mới, rượu cũ”. Việc khiếu kiện các nhà sản xuất thuốc cũng không hề dễ dàng vì các “đại gia” ngành dược sẽ không tiếc tiền vận động hành lang nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ Opioid một cách hợp pháp. Cuốn sách “Bí mật heroin” kết luận, chiến dịch vận động nhằm hợp lý hóa việc sử dụng chất giảm đau có chứa ma túy thực chất là là âm mưu tiếp thị của các nhà sản xuất thuốc, chứ không phải một “bước đột phá điều trị” như quảng cáo.
Những chiến dịch tiếp thị của các nhà sản xuất thực hiện trong những năm qua đã khiến bệnh nhân bị bưng bít các thông tin y tế cần thiết. Thay vào đó, đôi khi sự sống và cái chết lại được quyết định bởi những thông tin bị cường điệu, không có căn cứ khoa học. Theo thống kê, đến năm 2012, khoảng 259 triệu đơn thuốc Opioid và thuốc giảm đau có chất gây mê khác đã được kê, tương đương 82,5 đơn thuốc/100 người Mỹ.
Các chất có nguồn gốc ma tuý được xem là nguyên nhân gây ra 46 ca tử vong mỗi ngày ở Mỹ. Các loại thuốc giảm đau gây nghiện đã dẫn đến hơn 16.600 ca tử vong ở nước này mỗi năm. Khoảng 31% số này dùng thuốc giảm đau để có được hiệu quả như khi sử dụng ma túy. Số người tử vong vì sử dụng quá liều thuốc đã vượt qua tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông, trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ.
Hiện nay, heroin đã quay lại Mỹ và hình thành một thị trường khổng lồ. Năm 2010, ước tính thị trường heroin của Mỹ trị giá 27 tỷ USD, nhiều hơn cả doanh số bán lẻ thực phẩm. Trên thực tế, khó có thể xác định được quy mô của các “chợ đen heroin” ở Mỹ, được cho là khoảng 15-45 tỷ USD.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Những món ai cũng "khoái" vào mùa hè nhưng cực bẩn