Trong thông báo đưa ra ngày 16/5, AstraZeneca cho biết liệu pháp kháng thể có tác dụng lâu dài sipavibart đã cho kết quả giảm đáng kể nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng trong nhóm các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Nhóm này gồm các bệnh nhân ung thư máu, cấy ghép nội tạng, bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối cần lọc máu, những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch… Nhóm bệnh nhân này chiếm 25% tổng số ca mắc COVID-19 phải nhập viện, điều trị tích cực và tử vong kể cả đã được tiêm nhiều mũi vaccine phòng bệnh.
AstraZeneca đã mua công nghệ điều chế sipavibart từ RQ Bio tháng 5/2022. Theo Phó Chủ tịch phụ trách mảng vaccine và liệu pháp miễn dịch của AstraZeneca, Iskra Reic, những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hiện có rất ít hoặc không có lựa chọn nào để được bảo vệ trước bệnh COVID-19. Nhóm này vẫn chịu nguy cơ lớn từ bệnh tật kể cả khi được tiêm phòng đầy đủ. AstraZeneca sẽ làm việc với giới chức quản lý của các nước để đưa thuốc sipavibart đến với nhóm bệnh nhân dễ chịu tổn thương này.
Thông tin về loại thuốc mới được đưa ra 1 tuần sau khi AstraZeneca buộc phải rút vaccine phòng COVID-19 của hãng khỏi thị trường với lý do đã có quá nhiều loại vaccine mới.
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca là một trong những vaccine được phát triển đầu tiên và sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới.
Vài tháng gần đây, sản phẩm của AstraZeneca trở thành tâm điểm chú ý của dư luận liên quan tác dụng phụ hiếm gặp là xuất hiện các cục máu đông và số lượng tiểu cầu trong máu thấp sau khi tiêm vaccine. Hiện AstraZeneca đang bị kiện ở Anh, trong đó hơn 50 nguyên đơn và người thân đã kiện hãng này vì chịu các tác dụng phụ của vaccine.