Chiếc thuyền robot dài 3 m này sẽ có nhiệm vụ "ăn" những chai nước nhựa, hộp các tông bằng cách lùa tất cả rác đi qua một khe hở ở mũi thuyền và đẩy rác lên băng chuyền. Một chiếc máy ảnh sẽ chụp lại quá trình vận chuyển, trước khi rác được đổ vào giỏ thu gom ở giữa thuyền.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Oceana của Mỹ, ước tính có 15 tỷ kg rác thải nhựa đổ vào đại dương mỗi năm - tương đương với việc đổ hai xe chở rác xuống đại dương mỗi phút. Hầu hết rác thải nhựa đổ vào đại dương qua các con sông và bờ biển.
"Chúng ta có xe chở rác cho đất liền. Tại sao chúng ta không có thứ gì đó để làm sạch mặt nước?" Sidhant Gupta, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp công nghệ hàng hải Clearbot, cho biết.
Công ty Clearbot đang cố gắng thay đổi tình trạng ô nhiễm bằng những chiếc thuyền tự hành chạy bằng năng lượng mặt trời có thể xử lý 80 kg chất thải mỗi giờ và chở được 200 kg trên thuyền.
Trong quá trình này, công ty hy vọng sẽ giúp ngành hàng hải, vốn phụ thuộc nhiều vào nhân lực và nhiên liệu hóa thạch, phát triển.
Clearbot, khởi đầu là một dự án của trường đại học, được thành lập vào năm 2020. Bất chấp lệnh giãn cách do Covid-19 và môi trường gây quỹ khó khăn, công ty vẫn đang phát triển nhanh chóng.
Hiện nay, Clearbot đang vận hành khoảng 10 chiếc thuyền cho nhiều cơ quan chính phủ và khách hàng doanh nghiệp khác nhau trên khắp Hồng Kông, Thái Lan và Ấn Độ.
Những chiếc thuyền của Clearbot có thể được điều khiển từ xa thông qua bảng điều khiển trực tuyến hoặc được thiết lập để chạy tự động.
Clearbot đã phát triển các thuật toán cho phép thuyền di chuyển xung quanh các chướng ngại vật và phân tích những gì đang được thu thập, qua đó cung cấp dữ liệu để các nhà chức trách có thể hành động nhằm ngăn chặn dòng chất thải chảy vào các tuyến đường thủy.
“Ba năm trước, đây chỉ là một bài thuyết trình trên PowerPoint”, Gupta, người đã học ngành kỹ thuật máy tính và robot tại Đại học Hồng Kông, cho biết. “Ngày nay, nó đã trở thành hiện thực”.
Nhưng những chiếc thuyền không dừng lại ở việc hút sạch chất thải. Theo Gupta, còn nhiều công việc “nhàm chán, bẩn thỉu hoặc nguy hiểm” khác mà đội tàu của Clearbot có thể làm.
Tại Bangkok, Thái Lan, những chiếc thuyền của công ty đang dọn tảo khỏi các hồ, sử dụng cùng hệ thống băng chuyền được sử dụng cho rác thải, nhưng với vật liệu lưới mịn hơn để ngăn tảo thấm qua.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mai Po của Hồng Kông, một nơi nghỉ ngơi của các loài chim di cư, một chiếc thuyền Clearbot đã thực hiện công việc loại bỏ trứng của ốc táo xâm lấn để ngăn chúng sinh sôi. Bằng cách sử dụng “máy khuấy”, một loại cánh tay robot, trứng sẽ bị ra khỏi cây và một vòi phun sẽ phun nước vào trứng.
Những chiếc thuyền có thể được trang bị nhiều loại cảm biến và công cụ khác nhau để lập bản đồ đáy của các tuyến đường thủy, kiểm tra chất lượng nước và thu thập mẫu. Máy cắt có thể dọn sạch các loài thực vật xâm lấn như lục bình, và một cần trục có thể gắn vào có thể giúp làm sạch các vết dầu loang.
Clearbot không phải là công ty duy nhất khai thác công nghệ để cải thiện môi trường dưới nước. Các doanh nhân, học giả và tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển các sáng kiến - từ thùng rác nổi tự động đến máy bay không người lái dưới nước giống cá - giúp làm sạch các tuyến đường thủy và thu thập dữ liệu khoa học.
Clearbot hiện đang tập trung vào việc mở rộng quy mô và Gupta hy vọng sẽ triển khai 20 chiếc thuyền vào tháng 3 năm 2025 và đưa 50 chiếc vào hoạt động trong vòng hai năm.
"Bạn có thể nhìn thấy những chiếc thuyền này ở các bến cảng và mặc kệ vì chúng quá bình thường", Gupta cho biết. "Chúng tôi muốn chúng có mặt ở khắp mọi nơi".