Dàn chiêng Jhô của đội chiêng nữ dân tộc Ê Đê Bih ở buôn Trấp, thị trấn buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đác Lắc có sáu chiếc và một chiếc trống. Trống có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng theo bài bản. Khi diễn tấu cồng chiêng, các nghệ nhân đội chiêng nữ Ê Đê Bih thường di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái theo hướng ngược chiều với thời gian, có nghĩa ngược về nguồn cội. Đây cũng là một trong những nét đặc thù mà người dân tộc Ê Đê Bih còn giữ được nguyên gốc.
Trò chuyện với già làng, những a mí, a ma lớn tuổi ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana thì hầu hết họ vẫn không ai còn nhớ Buôn Trấp được thành lập từ thời gian nào. Chỉ biết rằng, họ sinh ra ở đây đã có buôn rồi và cứ thế bám vào dòng sông mẹ Krông Ana đánh bắt tôm, cá và khai hoang đầm lầy sản xuất lúa nước trên cánh đồng nặng phù sa ven dòng sông để sinh tồn cho đến ngày nay. Trong quá trình sinh tồn ấy, đồng bào dân tộc Ê Đê Bih ở Buôn Trấp vẫn gìn giữ và lưu truyền được nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình là đội chiêng nữ và dàn chiêng Jhô để diễn tấu cồng chiêng mỗi khi trong buôn làng có lễ hội hay gia đình nào có lễ, tin vui, buồn gì muốn thông báo cho cộng đồng, buôn làng biết. Ai đã một lần được nghe đội chiêng nữ bên dòng sông Krông Ana diễn tấu sẽ không thể nào quên.
Bà H’Riu H’mốk, 66 tuổi, đội trưởng đội chiêng nữ Buôn Trấp cho biết: Nét khác biệt của đội chiêng nữ Ê Đê Bih là khi diễn tấu chiêng Jhô, các nghệ nhân mặc trang phục riêng. Chiếc váy ngắn hơn, cao ngang đầu gối với nhiều hoa văn sặc sỡ, trong đó màu đỏ là chủ đạo. Đến nay trang phục truyền thống này vẫn được lưu giữ càng khiến cho đội chiêng nữ dân tộc Ê Đê Bih Buôn Trấp càng trở nên độc đáo và hấp dẫn. Chính sự độc đáo và hấp dẫn này nên trong những năm qua, đội chiêng nữ Ê Đê Bih ở Buôn Trấp thường xuyên được mời tham dự và diễn tấu không chỉ trong các lễ hội ở trong nước mà còn được mời tham gia biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, được khách quốc tế đánh giá cao.
Ngày càng có nhiều cô gái dân tộc ở Đác Lắc tham gia diễn tấu cồng chiêng để tiếp nối nhịp chiêng nữ ở các buôn làng. |
Là đội chiêng nữ độc đáo và duy nhất của người dân tộc Ê Đê Bih ở Tây Nguyên, tuy nhiên đến nay tuổi đời của các nghệ nhân đã cao, thường xuyên bị đau ốm nên việc trình diễn cồng chiêng không còn được thường xuyên, nguy cơ mai một là rất lớn. Bà H’Ríu Hmôk tâm sự, để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc trước nguy cơ ngày càng mai một, thời gian qua, đội chiêng nữ chúng tôi đã truyền dạy đánh chiêng Jhô cho nhiều cháu gái trong buôn. Mặc dù hiện nay, lớp trẻ trong buôn tiếp xúc với nhiều loại hình âm nhạc, nhưng khi các cháu vẫn thích diễn tấu cồng chiêng lắm.
Em H’Wên Hmôk dân tộc Ê Đê ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana bộc bạch: “Từ lúc học lên THCS, em thường theo mẹ đến dự các lễ hội của buôn làng và được chứng kiến mẹ cùng các bà diễn tấu cồng chiêng. Vì vậy, tiếng chiêng Jhô đã đi vào tâm thức và thấm vào máu thịt của mình từ lúc nào không biết. Sau này, em được chính mẹ mình dạy diễn tấu cồng chiêng và chỉ sau vài vài tháng luyện tập em đã đánh thành thục các bài chiêng của dàn chiêng Jhô”.
Theo các già làng Ê Đê, trước đây theo phong tục của người Ê Đê, trẻ em nam không được sờ vào cồng chiêng, không được cầm dùi đánh chiêng. Học cồng chiêng đối với các em nam đã là điều cấm kỵ vậy nên các em nữ muốn học đánh cồng chiêng gần như là không thể. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của người Ê Đê ở các buôn làng tỉnh Đác Lắc đã có nhiều tiến bộ nên quan niệm này cũng dần được thay đổi. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Lắc phối hợp Phòng văn hóa thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường xuyên mở các lớp học đánh cồng chiêng cho trẻ em nam và nữ ở các thôn, buôn. Sau ba năm, với lòng say mê văn hóa truyền thống của dân tộc, yêu nhịp chiêng của buôn làng, giờ đây các em đã thành thạo nhiều bài chiêng khác nhau.
Em H’rôya Azun ở buôn Ea Dun, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc cho biết: Chúng em là nữ giới học diễn tấu cồng chiêng khó khăn hơn các bạn nam giới. Vì diễn tấu cồng chiêng không học trong sách vở mà học bằng tai nghe, mắt thấy. Dù gặp khó khăn nhiều nhưng với lòng đam mê nên các em cố gắng học diễn tấu được cồng chiêng, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình.
Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc chia sẻ: Khi tôi đi điền giã, bà con nói với tôi dạy diễn tấu cồng chiêng cho trẻ nam, khi chúng đi lấy vợ ở buôn khác thì lại mất người diễn tấu cồng chiêng của buôn làng mình. Hiện nay một số buôn ở Đác Lắc đã dạy diễn tấu chiêng cho nữ giới. Vì chị em sẽ mãi ở lại buôn làng theo tục lệ chồng làm rể của người Ê Đê. Tôi nghĩ không có tập quán nào không thay đổi được… và đây là yếu tố để bảo tồn bền vững văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Giờ đây, ước vọng có người kế thừa các bà, các mẹ tiếp nối nhịp cồng chiêng ở vùng đất đỏ cao nguyên hùng vĩ Đác Lắc đã trở thành hiện thực khi ngày càng có nhiều cô gái ở các buôn làng biết diễn tấu cồng chiêng. Việc nữ giới người dân tộc biết diễn tấu cồng chiêng không chỉ tiếp nối nhịp chiêng ở các buôn làng, làm phong phú, tạo nên nét độc đáo cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tây Nguyên trước những tác động từ nhiều phía của cuộc sống đương đại.