Tiếp tục tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Phần 2)

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với quyết tâm thực hiện thắng lợi ước nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc có bài viết: "Quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với kiểm soát quyền lực, "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" thể chế

Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị "tha hoá", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh của quyền lực". Do vậy, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là phải kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực, để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, theo đúng nguyên tắc: Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn; lợi dụng, lạm dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm minh.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu: Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật; bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân. Công qũy là của công, cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc đều xuất phát từ dân, vì dân. Tuyệt đối không được lạm dụng, lợi dụng quyền lực, không được cậy có quyền, uốn thẳng thành cong. Đối với người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa.

Về phía cơ quan, tổ chức, phải quan tâm siết chặt kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn; phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; trong công tác cán bộ và các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật thì càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài; đồng thời, phải công khai quy trình sử dụng, thực thi quyền lực theo pháp luật để cán bộ, Nhân dân giám sát. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện và thực hiện nghiêm các cơ chế về kiểm soát quyền lực; phải thiết lập cho được cơ chế để Nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả; phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế.

Kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành nghiêm túc, có hiệu quả ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là những cơ quan được giao nhiều quyền lực, hoạt động có nhiều đặc thù, tính chất phức tạp, bí mật; thường xuyên đối mặt với những tiêu cực trong xã hội, khiến cán bộ, công chức dễ bị sa ngã, mua chuộc. Vì thế, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu hơn ai hết, các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đội ngũ cán bộ làm công tác này phải liêm, phải sạch; không thể "Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người".

Do vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành nghiêm túc, có hiệu quả ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư đặt ra những đòi hỏi cao hơn về trách nhiệm, bản lĩnh, với lời dặn vô cùng thấm thía và hết sức sâu sắc: "Phải có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng hành động vì nước, vì dân; có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi sự cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ…; "còn Đảng thì còn mình", xứng danh là "thanh bảo kiếm" sắc bén, "lá chắn" thép vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân".

Ngay cả đối với các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu phải đề cao trách nhiệm, là những tấm gương thật sự mẫu mực, quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trình độ, để xứng đáng với niềm tin, tình cảm và nguyện vọng của Nhân dân; nếu ai vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì "Tôi" (Đảng, Nhà nước) sẽ xử lý trước.

Thực hiện nhất quán cơ chế "bốn không" trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng, tiêu cực

Để thực hiện mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo: Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể" tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám" tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để "không muốn", "không cần" tham nhũng, tiêu cực. Đây vừa là quan điểm, phương châm mang tính tổng thể trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cũng là một trong những bài học kinh nghiệm quý được đồng chí Tổng Bí thư đúc rút qua hơn 10 năm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn không", theo đồng chí Tổng Bí thư, phải hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị phải rất chặt chẽ, không sơ hở, bất cập, để "không thể tham nhũng, tiêu cực"; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, để "không dám tham nhũng, tiêu cực"; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trở thành nếp sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, để "không muốn tham nhũng, tiêu cực"; thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với cống hiến và tài năng của cán bộ, công chức, viên chức, để "không cần tham nhũng, tiêu cực".

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, dựa vào dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quán triệt sâu sắc bài học lịch sử vô giá "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ với Nhân dân, biết lắng nghe ý kiến nhân dân, dựa vào nhân dân. Thực tiễn cho thấy, không có gì mà nhân dân không biết, không có gì có thể qua mắt được Nhân dân; chỉ có phát huy đầy đủ sức mạnh của nhân dân mới có thể đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, tạo thành một "phong trào, xu thế" không thể đảo ngược.

Do vậy, đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh: Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến chống tham nhũng khó có thể thành công.

Đồng chí Tổng Bí thư đã dẫn lại những lời chỉ dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhắc nhở các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ghi nhớ sâu sắc và triển khai thực hiện: "Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm"; "phải làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp". Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từng bước mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng

Tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước, mà còn có sự giúp sức, hỗ trợ đắc lực của các đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước. Mặt khác, tội phạm tham nhũng có tính quốc tế, là vấn nạn của các quốc gia. Vì thế, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với truyền thống văn hóa của Dân tộc, với nến kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ số đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài. Tích cực tham gia các sáng kiến, diễn đàn quốc tế, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.

Nội luật hoá và thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thường xuyên tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.

Phối hợp chặt chẽ, "đúng vai, thuộc bài", "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"

Một trong những bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc rút từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong quá trình hoạt động, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì các cơ quan chức năng chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; nếu vi phạm liên quan đến cán bộ diện cấp ủy quản lý thì báo cáo với Thường trực cấp ủy đó, đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu cho ủy ban kiểm tra cùng cấp để xử lý theo quy định của Đảng. Đồng chí yêu cầu, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tuyệt đối không được "quyền anh quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây"; phải "đúng vai, thuộc bài"; "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Nhờ đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở đã có sự chuyển biến rõ nét, từng bước khắc phục hiệu quả tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với 80 năm tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí Tổng Bí thư trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.

(Hết)

Theo TTXVN
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Bão Beryl là cơn bão cấp 5 đầu tiên hình thành vào tháng 6 khi bắt đầu mùa bão Đại Tây Dương. Ảnh: Nasa
Nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ gió bão Đại Tây Dương năm 2024
(Ngày Nay) - Viện nghiên cứu Climate Central công bố một công trình cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên do con người gây ra đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.
Ông Nguyễn Mạnh Cường giữ chức Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương
Ông Nguyễn Mạnh Cường giữ chức Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương
(Ngày Nay) - Sáng 20/11, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường giữ chức Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.