Theo đó, vào tháng 6/2021, công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỉ phú Elon Musk phải bảo đảm cho một phi thuyền rời trái đất để thực hiện nhiệm vụ "một đi không trở lại": đâm thẳng vào 1 trong 2 tiểu hành tinh nhị phân Didymos.
Nhiệm vụ mang tên "Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép" (DART), do NASA chủ trì. Đây là cuộc thử nghiệm trực tiếp đầu tiên trong chuỗi kế hoạch phòng thủ trái đất mà NASA dày công theo đuổi, nhằm ngăn chặn những thảm họa từ không gian tương tự như vụ va chạm đã quét sạch loài khủng long, thậm chí là những thảm họa nặng nề hơn.
Thông qua các phương tiện hiện đại, các thuật toán đã chứng minh có vô số tiểu hành tinh lớn nhỏ có xác suất va chạm với trái đất. Lịch sử vũ trụ đã chứng minh một vụ va chạm có thể thay đổi hoàn toàn một hành tinh, biến nó từ hành tinh chết thành nơi sống được hoặc ngược lại.
Nhiệm vụ phối hợp giữa NASA và SpaceX bao gồm tàu vũ trụ DART, sẽ được đặt lên đỉnh một tên lửa Falcon 9, rời trái đất từ căn cứ không quân Vandenberg (California - Mỹ), vượt chặng đường 11 triệu km để tiến tới Didymos.
Hệ nhị phân Didymos này bao gồm một tiểu hành tinh lớn và một tiểu hành tinh "mặt trăng" nhỏ hơn, đường kính khoảng 150 m. Tàu vũ trụ DART dài 2,4 m chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ phải thực hiện nhiệm vụ tự sát, phóng thẳng vào tiểu hành tinh mặt trăng này để chuyển hướng nó vĩnh viễn. Đây là một trong những vật thể được chứng minh là có xác suất va chạm với trái đất.
Theo người phát ngôn của NASA, tiểu hành tinh này mang kích thước điển hình của các vật thể không gian phổ biến có thể gây nguy hiểm cho trái đất. Tàu vũ trụ DART trang bị máy ảnh và phần mềm điều hướng tinh vi, sẽ đâm vào nó với tốc độ lên đến 6 km/giây. Vụ va chạm sẽ thay đổi tốc độ quay quanh vật thể chính của tiểu hành tinh mặt trăng khoảng 1%. Kết quả nhiệm vụ có thể được theo dõi bằng kính viễn vọng mặt đất.
Dự kiến tàu vũ trụ DART sẽ tiếp cận Didymoss vào tháng 10/2022.