Ngày 4/3, Công an huyện Phú Thiện (Gia Lai) vừa tổ chức tiêu hủy 67 khẩu súng tự chế các loại và 18 hộp pháo hoa (trọng lượng 30,6 kg).
Được biết, số vũ khí trên là do người dân trên địa bàn tự nguyện giao nộp qua công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng công an huyện.
Công an huyện Phú thiện đã thành lập Hội đồng tiêu hủy pháo và súng tự chế nói trên.
Nhờ tích cực thực hiện công tác vận động, tuyên truyền đến sâu rộng quần chúng nhân dân, do vậy, trong dịp Tết Nguyên đán 2020 vừa qua, trên địa bàn huyện Phú Thiện không xảy ra sự vụ nào liên quan đến vũ khí tự chế hoặc pháo nổ.
Công an huyện Phú Thiện cũng khuyến cáo người dân không sản xuất, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015: Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm”.
Hậu quả của hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nhưng việc xác định hậu quả là cần thiết và tùy theo hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị truy tố theo khoản 2;3;4 của Điều 304.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 20% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.”