"TikTok tiếp tục tuân thủ tất cả các yêu cầu về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu theo luật Ấn Độ và không chia sẻ bất kỳ thông tin nào của người dùng của chúng tôi với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, kể cả Trung Quốc", ông Nikhil Gandhi - người đứng đầu TikTok Ấn Độ, cho biết.
Ông Gandhi khẳng định TikTok đặt tầm quan trọng cao nhất đối với quyền riêng tư và tính toàn vẹn của người dùng và sẽ gặp mặt các nhà chức trách Ấn Độ để làm rõ sự việc.
TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance và là một trong 59 ứng dụng di động của Trung Quốc mới bị áp dụng lệnh cấm tại Ấn Độ.
Ước tính có khoảng 120 triệu người dùng TikTok ở Ấn Độ, biến quốc gia Nam Á 1,3 tỷ dân này trở thành thị trường quốc tế lớn nhất của mạng xã hội chia sẻ video.
Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho biết các ứng dụng này "đang tham gia vào các hoạt động làm phương hại đến chủ quyền và tính toàn vẹn của Ấn Độ và lệnh cấm nhằm bảo vệ an ninh trật tự đất nước".
Các vụ đụng độ tại biên giới hai nước trên dãy Himalaya đã thổi bùng lên làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc tại Ấn Độ.
Tuần trước, một trong những hiệp hội khách sạn chính của thủ đô New Delhi tuyên bố các thành viên của họ đã cấm khách Trung Quốc và sẽ ngừng sử dụng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.
Các công ty điện tử Trung Quốc cũng chiếm thị phần lớn tại Ấn Độ, khi chỉ riêng hai thương hiệu điện thoại di động như Xiaomi và Oppo đã nắm được 65%.
Các đại gia thương mại điện tử bao gồm Amazon đã đồng ý hiển thị xuất xứ nguồn gốc hàng hóa trên nền tảng của mình theo đề nghị của chính phủ Ấn Độ.
Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm một số nguyên liệu thô quan trọng đối với các công ty dược phẩm Ấn Độ, cũng bắt đầu bị ùn tắc tại các cảng và sân bay Ấn Độ do sự kiểm soát nghiêm ngặt của hải quan.
Mặc dù tồn tại nhiều mâu thuẫn trong vấn đề tranh chấp biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc đã liên tục xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây, thương mại song phương hàng năm trị giá khoảng 90 tỷ USD.