Theo BBC, thử nghiệm được tiến hành trên 24 con khỉ cho thấy chúng miễn nhiễm với virus HIV sau khi được tiêm kháng thể, dù sau đó tiếp tục bị tiêm virus HIV vào cơ thể.
Thông thường, hệ miễn dịch của cơ thể người khó tiêu diệt được virus HIV vì chúng có khả năng biến đổi, thay đổi hình dạng và tạo ra nhiều chủng virus khác nhau.
Trong nhiều năm qua, cơ thể của một số ít bệnh nhân phát triển được các 'kháng thể vô hiệu hóa diện rộng'. Các nhà khoa học cho biết những kháng thể này có thể tấn công nhiều dạng virus HIV, ngay cả khi virus thay hình đổi dạng.
Vì vậy, họ kết hợp 3 loại 'kháng thể vô hiệu diện rộng' gọi là 'bộ ba kháng thể'. "Chúng mạnh hơn và có bề rộng lớn hơn bất kỳ kháng thể đơn lẻ nào đã từng được khám phá," tiến sĩ Gary Nabel, giám đốc khoa học của Sanofi, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Mục tiêu của các nhà khoa học tiếp theo là các kháng thể này sẽ tiêu diệt tới 90% các chủng virus HIV.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và Dị ứng quốc gia (Mỹ) phát biểu trên BBC: "Sự kết hợp ba loại kháng thể có thể vượt qua sự phòng vệ của virus để phòng ngừa và điều trị HIV hiệu quả."
Giáo sư Linda-Gail Bekker, Chủ tịch Hội AIDS quốc tế, khẳng định: "Loại siêu kháng thể này dường như vượt qua các giới hạn tự nhiên và có thể được ứng dụng nhiều hơn chúng ta tưởng. Đây là một bước đột phá rất lớn".
Thử nghiệm này sẽ được tiến hành trên người vào đầu năm 2018.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, là sự hợp tác giữa Viện Y tế Quốc gia Mỹ và công ty dược Sanofi, đồng thời có sự tham gia của các nhà khoa học tại Đại học Y Harvard, Viện nghiên cứu Scripps và Viện Công nghệ Massachusetts.