Những năm qua, ngành y tế thực hiện việc đổi mới hệ thống tổ chức y tế theo tiêu chí thu gọn hệ thống tổ chức bộ máy tuyến trung ương đến địa phương được xây dựng thống nhất, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động ổn định, tính hiệu lực hiệu quả cao.
Đến nay, tại tuyến huyện ngành y tế đã thống nhất mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng, đã có 44 tỉnh (khoảng 475 huyện) sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế huyện.
Kết quả của việc sáp nhập cho thấy, vị trí lãnh đạo giảm khoảng 2.220 người, tương ứng giảm chi khoảng 159.840 tỷ/năm. Biên chế hành chính giảm khoảng 10.899 người, tương ứng giảm chi khoảng 910.966 tỷ/năm.
Tiến sỹ Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị công tác tổ chức cán bộ năm 2019, do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/7 tại Quảng Ninh.
Theo ông Phạm Văn Tác, từ năm 2016 Bộ Y tế đã thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế, mỗi năm giảm 1,6 đến 2%, đến năm 2021 đạt tỷ lệ giảm 10% biên chế hành chính so với năm 2015.
Hằng năm, các đơn vị thuộc Bộ chỉ tuyển dụng 50% số biên chế công chức đã giảm. Bộ Y tế đã thu gọn đầu mối các Phòng thuộc Vụ, Cục, từ 94 đầu mối xuống còn 59 đầu mối (giảm 35 đầu mối); giảm khoảng 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.
Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN) |
Tại các địa phương đã thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đã có khoảng 266/315 đơn vị đã sát nhập (53/63 tỉnh), theo đó vị trí lãnh đạo giảm khoảng 1.260, tương ứng giảm chi khoảng 90.720 tỷ/năm. Biên chế hành chính giảm khoảng 2.140 người, tương ứng giảm chi khoảng 154.080 tỷ/năm.
Trong việc thực hiện cơ chế tự chủ kinh phí chi thường xuyên, có khoảng 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước; giảm chi khoảng 2.500 tỷ/năm. Việc tự chủ ở 51 tỉnh, thành phố đã giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 14.682 tỷ.
Tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong năm qua, ngành y tế đã tổ chức lại hệ thống tổ chức bộ máy tuyến trung ương đến địa phương được xây dựng thống nhất, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động ổn định, tính hiệu lực hiệu quả cao.
Đặc biệt, ngành y tế đang tiếp tục thực hiện mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có tiền lương trên phạm vi toàn quốc, điều chỉnh giá một số dịch vụ cho phù hợp, điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương cơ sở nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng, góp phần tăng số đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
“Đối với việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, Bộ Y tế đẩy mạnh việc giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên cho các bệnh viện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Qua đó, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ/1 năm đối với tuyến Trung ương và gần 15.000 tỷ đối với hệ thống y tế địa phương…,” Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích.
Tại hội nghị, nhiều nội dung và nhiệm vụ mới về công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ cần được triển khai theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt; đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, về tài chính và nhân lực y tế… được đưa ra thảo luận.
Điển hình như, Bộ Y tế đang xây dựng đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế Trung ương: Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung ương và Cơ quan Quản lý Thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Trang thiết bị y tế Trung ương; kiện toàn hệ thống giám định pháp y, pháp y tâm thần.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và các địa phương thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh, mô hình Trung tâm y tế hai chức năng kiện toàn hệ thống y tế tuyến cơ sở về y tế xã, phường, thị trấn.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hội nghị là dịp để các đại biểu trình bày, thảo luận thẳng thắn, tích cực mang tính chất xây dựng về những kết quả đạt được, khó khăn tồn tại, cũng như đưa ra các giải pháp kiến nghị để công tác tổ chức ngành y tế để kiện toàn hệ thống tổ chức y tế từ Trung ương tới địa phương./.