Cá thể gấu cái ước chừng 120 kg, được nuôi làm cảnh trong khuôn viên một đơn vị. Theo thông tin của Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và cơ quan hiện nuôi giữ gấu, cá thể gấu này đã được nuôi nhốt tại đây khoảng 15 năm từ khi là gấu con với mục đích làm cảnh. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Cục Kiểm lâm, đây là cá thể gấu cuối cùng được nuôi nhốt trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai, thông tin này cũng được chi cục Kiểm lâm Gia Lai xác nhận.
Hành trình cứu hộ gấu Hoa Gạo |
Sau khi xử lý thông tin và đơn tự nguyện chuyển giao của đơn vị nuôi gấu, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai đã đồng ý lựa chọn Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam để tiếp nhận gấu bởi: ”Sau khi xem xét, nhận thấy đơn vị (Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam) thời gian qua đã có nhiều hoạt động phối hợp với chi cục kiểm lâm Gia Lai, bao gồm việc thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức cá nhân (chủ nuôi gấu) nhằm bảo vệ gấu nuôi và thực hiện nhiều đợt tiếp nhận cứu hộ đạt được kết quả tích cực nhất, đồng thời cũng là đơn vị cứu hộ gấu Việt Nam đảm bảo đủ điều kiện về kĩ thuật cơ sở vật chất quy mô chuồng trại đạt tiêu chuẩn quốc gia.” (trích công văn CCKL Gia Lai gửi Tổ chức Động vật Châu Á). Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai cũng như đơn vị nuôi gấu cùng với Tổ chức đã lên kế hoạch, thống nhất về thời gian và thủ tục,cùng đồng hành, và tạo điều kiện tốt nhất để việc chuyển giao gấu diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, tuân thủ đúng quy trình.
Gấu được giải cứu nhờ phương pháp chuyển lồng |
Cá thể gấu ngựa được Trung tâm đặt tên là Hoa Gạo (Cotton Blossom) bởi đáng lẽ gấu đã được cứu hộ vào đầu tháng 3/2020, nhưng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, và chuyến đi buộc phải hoãn vào phút chót. Tổ chức vẫn giữ tên gọi đã được dành riêng cho cô gấu này, và mong mỏi, sau nhiều năm trong chuồng cũi, gấu sẽ được tận hưởng thoải mái nhất có thể sự tự do và an yên, được là gấu hạnh phúc đúng nghĩa như bông hoa gạo rực rỡ của tháng ba. Hoa gạo như những búp lửa của hy vọng và sự khởi sinh mãnh liệt giữa vùng rừng núi xanh thẳm tại nơi sẽ là mái nhà của gấu.
Đây là một chuyến cứu hộ vô cùng đặc biệt - chuyến cứu hộ đầu tiên mà các khâu thực hiện tại hiện trường đều được tiến hành hoàn toàn bởi đội ngũ nhân viên người Việt Nam. Trong những năm gần đây, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam chú trọng vào công tác đào tạo. Nhiều vị trí trước đây vốn hoàn toàn do các chuyên gia nước ngoài như bác sỹ thú y, quản lý hành vi gấu thì hiện giờ đã dần được đảm trách bởi đội ngũ nhân viên điạ phương.
Gấu được đặt tên Hoa Gạo sau giải cứu |
Quá trình cứu hộ diễn ra tương đối nhanh chóng và thuận lợi bởi gấu Hoa Gạo khá bình tĩnh và phản ứng tích cực với đồ ăn ngọt. Về cơ bản, cá thể gấu có sức khoẻ tương đối ổn định. Để đảm bảo an toàn về kiểm dịch thú y cũng như chấp hành nghiêm quy trình vận chuyển động vật hoang dã, gấu sau cứu hộ sẽ được Chi cục Kiểm lâm Gia Lai và Chi cục Thú y Gia Lai hậu kiểm, kẹp chì niêm phong lồng vận chuyển trước khi rời khỏi địa bàn tỉnh.
Sau khi Gia Lai không còn nạn nuôi nhốt gấu, cả nước còn khoảng 500 cá thể gấu nuôi nhốt trong các trang trại tại 36 tỉnh thành.
Ghép lồng và dụ gấu tự bước sang bằng đồ ngọt. |
Theo dự tính, đoàn cứu hộ sẽ mất 3 ngày, tương đương với quãng đường dài 1.100 km để di chuyển từ Gia Lai về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Ngay khi đưa về Tam Đảo, gấu sẽ trải qua 45 ngày cách ly trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên.
Đây là chuyến cứu hộ thứ ba của Tổ chức Động vật Châu Á trong năm 2020 tiếp nhận tổng số 6 cá thể gấu ngựa. Thêm cá thể gấu này, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ thành công 217 cá thể gấu ngựa và gấu chó (cả gấu con và gấu sống lâu năm trong các chuồng cũi) tại nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Hiện có 186 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và sống trong các khu bán tự nhiên của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Gấu cứu hộ cuối cùng tại Gia Lai. |
Theo thống kê mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, cả nước còn khoảng 500 cá thể gấu nuôi trong các trang trại, trong khi gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể. Tổ chức Động vật Châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhằm đưa các cá thể này về các cơ sở cứu hộ; hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước, lộ trình từ 2017 tới 2022.
TỔ CHỨC ĐỘNG VẬT CHÂU Á (ANIMALS ASIA)
Do bị thu hẹp môi trường sống (sự biến mất dần của các cánh rừng tự nhiên), và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật, số lượng gấu ngoài tự nhiên ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên.
Ngoài tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm, chú gấu may mắn này có thể được sống phần đời còn lại trong an toàn và tự do. Tổ chức Động vật Châu Á cam kết chăm sóc trọn đời cho gấu.
GIẢI PHÁP CỨU LOÀI GẤU
Tổ chức Động vật Châu Á là một tổ chức từ thiện quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Sứ mệnh quan trọng nhất của Tổ chức là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp, và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên.
Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ 2007, và đưa các chú gấu cứu hộ về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, Tổ chức đã cứu hộ được 217 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 186 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên xanh mướt tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tại đây, gấu được chăm sóc phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng.
Về phương diện thúc đẩy thực thi pháp luật, Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với các cơ quan chức năng, với ngành Kiểm lâm để cứu hộ gấu, tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài gấu. Về phương diện tìm kiếm giải pháp giảm nhu cầu mật gấu, Tổ chức phối hợp cùng các thầy thuốc đông y của Trung Ương hội Đông Y Việt Nam giới thiệu và phổ biến các cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu. Về phương diện giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ gấu, Tổ chức thường xuyên có các chương trình tuyên truyền tới các trường học để giúp học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ loài gấu và các loài động vật. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam của Tổ chức cũng chào đón học sinh và các khách tham quan tìm hiểu về thực trạng cuả loài gấu cũng như thăm các chú gấu vui đùa tại các khu bán tự nhiên.