Gần đây dòng sách trinh thám ở Việt Nam đã sôi động trở lại khi mỗi tháng có trung bình 5-7 tác phẩm mới được chuyển ngữ và công bố. Các nhà sách không chỉ cập nhật các tác phẩm mới đạt thành tựu trên thế giới như Stillhouse, Mùa Hạn Kinh Hoàng… mà còn “tìm trong kho báu”, xây dựng lại các bộ sách kinh điển có giá trị nhưng chưa bao giờ được chuyển ngữ có hệ thống ở Việt Nam.
Vừa qua bạn đọc Việt Nam cũng đã được cầm trên tay bộ sách “Arsène Lupin - Siêu trộm hào hoa” của nhà văn Pháp Maurice Leblanc. Được sáng tác từ năm 1907, trở thành đối trọng của Sherlock Holmes (Conan Doyle), tác phẩm “Arsène Lupin - Siêu trộm hào hoa” đã mở ra một con đường mới của văn học trinh thám khi nhấn mạnh vào tính li kì, những cú lừa ngoạn mục thay vì chỉ giải quyết những bài toán hóc búa của án mạng thông thường.
Buổi tọa đàm thu hút độc giả trinh thám nhiều lứa tuổi. Ảnh: Mai Lê |
Buổi tọa đàm “Kẻ phản diện quyến rũ - Tại sao chúng ta yêu thích những tội phạm tài tử?” do L’espace và Đinh Tị Books tổ chức ngày 07/11 có sự tham dự của hai tác giả trinh thám có lượng độc giả lớn gần đây là Kim Tam Long (tác giả “Ẩn Ức Trắng”, “Mặt Nạ Trắng”) và Đức Anh (tác giả “Thiên thần mù sương”, “Đảo Bạo Bệnh”) cùng Hà Trang - người sáng lập kênh văn học Trạm Radio. Chương trình thu hút đông đảo độc giả trải dài nhiều lứa tuổi. Tại đây các diễn giả và khách mời đã bàn luận sôi nổi về bộ tác phẩm Arsène Lupin cũng như vấn đề tiếp nhận văn học trinh thám ở Việt Nam. Một trong những điểm nhấn của tọa đàm là vấn đề tâm lý yêu thích các nhân vật tội phạm của độc giả trẻ.
Lý giải về tâm lý yêu chuộng các thiên tài tội phạm, tác giả Đức Anh cho biết: “Trước hết các nhân vật phản diện được yêu mến bởi khả năng thiên bẩm. Cái thiên bẩm bao giờ cũng hấp dẫn. Sau cùng, họ được yêu thích vì họ rất đời nữa. Vả chăng, trong chúng ta cũng có một niềm hứng thú kì lạ với sự phá rào. Và các nhân vật tội phạm làm được điều đó. Tuy nhiên, văn học trinh thám chính là để chúng ta cảnh giác với cái ác thông qua việc hiểu cái ác là gì”.
Nhà văn Kim Tam Long cho biết: “Chính từ các nhân vật phản diện, chúng ta mới nhìn ra được một góc tối phía sau của cuộc sống. Có những tội ác nảy mầm từ sớm trong thời ấu thơ. Đọc trinh thám để chúng ta soi chiếu về bản thân mình, mang lại những suy nghĩ về kiếp sống và thân phận con người”.
Nói về văn học trinh thám Việt Nam, các tác giả cũng nhận định hiện nay văn học trinh thám Việt Nam đang có những điểm nhấn tích cực về số lượng và chất lượng. Hy vọng trong vòng mười năm nữa, nên văn học trinh thám Việt sẽ nở rộ, cho ra đời các tác phẩm hay, thỏa mãn được nhu cầu của công chúng.