Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được tổ chức đồng loạt tại 4 vị trí tại TP Hà Nội. Vị trí khởi công số 1 là điểm cầu chính tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường gom Đại lộ Thăng Long (lý trình Km28+900 đường Vành đai 4, tương ứng với Km12+600 đường gom Đại lộ Thăng Long), xã Song Phương (huyện Hoài Đức).
Vị trí khởi công số 2 tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, lý trình Km1+445 thuộc địa phận xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn). Vị trí khởi công số 3 tại vị trí giao trục phía Nam tại Km45+700, thuộc địa phận xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Vị trí khởi công số 4 tại vị trí giao đường Vành đai 4 với Quốc lộ 1A cũ (tại Km52+600 đường Vành đai 4, tương ứng với Km190+270 đường Quốc lộ 1A), xã Văn Bình (huyện Thường Tín).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự lễ khởi công dự án Vành đai 4 tại điểm cầu huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Khởi công Vành đai 4 chỉ là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tạo ra không gian phát triển mới cho cả Vùng Thủ đô, đặc biệt có ý nghĩa với TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh - nơi tuyến đường đi qua. Hà Nội đã dám phân cấp, giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các quận, huyện, đem lại kết quả rất thành công. Đặc biệt việc di dời mộ chí là vô cùng khó khăn nhưng Hà Nội đã tổ chức rất bài bản, làm rất tốt, quyết liệt, quyết tâm.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo các địa phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy các tỉnh khác trong công tác triển khai dự án cũng như GPMB. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội rằng, kết quả khởi công hôm nay mới chỉ là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Hà Nội bám sát tiến độ, rà soát lại công việc, bố trí thời gian, nguồn lực, tăng cường sự chỉ đạo lãnh đạo để đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo yêu cầu đề ra. Song song với đó là phải dành sự quan tâm hoàn thành công tác GPMB, tái định cư ổn định nơi ăn ở cho người dân, chuẩn bị vật liệu xây dựng, bãi thải phục vụ dự án; tăng cường năng lực thi công.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của các địa phương trong triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để nhanh chóng có đủ điều kiện khởi công hôm nay. |
Ba kinh nghiệm của TP Hà Nội trong chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4
Tại lễ khởi công, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, TP Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, sau 1 năm 9 ngày, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023). Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó thành phố Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%).
Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các địa phương, người đứng đầu UBND TP Hà Nội chia sẻ 3 kinh nghiệm khi triển khai dự án. Một là phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; với tinh thần lấy kết quả thực hiện dự án là "thước đo" năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của thành phố.
Huy động sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ thành phố đến cơ sở. Qua đó đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và người dân.
Hai là tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện.
Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính của dự án.
Ba là tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, TP Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu "trọng điểm của trọng điểm".
Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án, thành phố đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.
Cam kết bảo đảm chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 về việc triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022, trong đó UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bác Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, phê duyệt các dự án thành phần được giao làm cơ quan chủ quan, cơ quan có thẩm quyền.
Cũng tại lễ khởi công dự án, Báo cáo về kế hoạch triển khai thi công và cam kết tiến độ, chất lượng Dự án đường Vành đai 4, đại diện các nhà thầu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) Đào Ngọc Thanh cho biết, đơn vị được lựa chọn thực hiện gói thầu có chiều dài lớn nhất của dự án, chiều dài khoảng 23 km (từ Km13+17,92 đến Km36+166,74).
Đây là gói thầu số 09/TP2 - XL thuộc Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Giá trị trúng thầu là 1.816 tỷ đồng; thời gian thực hiện 1.080 ngày.
“Với tinh thần làm việc tận tâm của tất cả các cán bộ, nhân viên, các nhà thầu thi công, tư vấn, chúng tôi cam kết sẽ huy động tối đa các nguồn lực về nhân sự, tài chính, trang thiết bị máy móc, áp dụng các biện pháp thi công hiện đại nhất để hoàn thành phần việc được giao. Vinaconex cam kết sẽ triển khai dự án bảo đảm chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ hợp đồng, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2025 để đưa vào khai thác sử dụng kịp thời nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội - Vùng Thủ đô Hà Nội”, ông Đào Ngọc Thanh khẳng định.
Hình ảnh lễ khởi công tại điểm cầu Hoài Đức. |
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo chủ trương đầu tư được duyệt, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội được triển khai thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, với tổng diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng 1.386,313 ha, tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.